Trước diễn biến phức của dịch bệnh trên thế giới và một số nước trong khu vực, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, công tác cách ly tập trung đã được chấn chỉnh. Mặc dù các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương đã được thông báo danh sách người hoàn thành cách ly tập trung để thực hiện theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú nhưng vẫn có lúc, có nơi làm chưa tốt.
Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện các công cụ để phục vụ công tác theo dõi, giám sát y tế trực tiếp trên địa bàn cũng như kiểm tra từ xa của Ban Chỉ đạo.
Đối với đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, do dịch bệnh ở một số nước trong khu vực diễn biến phức tạp, đường biên giới của Việt Nam rất dài, nên dù các lực lượng biên phòng, công an cửa khẩu đã căng mình chốt chặn hơn một năm qua nhưng hằng ngày vẫn có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép.
Qua phân tích, Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định có hai loại đối tượng nhập cảnh trái phép. Thứ nhất là người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thường theo các đường dây có tổ chức. Chúng ta phải tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép.
Thứ hai là người Việt Nam nhập cảnh trái phép nhưng do sợ cách ly, chưa nhận thức hết được sự nguy hiểm dịch bệnh, vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các địa phương, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền đến mọi gia đình những người có người thân ở nước ngoài nếu có nhu cầu về nước phải theo con đường chính thống, hợp pháp, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly. Không thể vì ngại cách ly mà gây nguy hiểm cho cộng đồng chồng và cả đất nước.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an cho biết phần lớn các gia đình có người nhà ở nước ngoài đều có giữ liên hệ, liên lạc. Do đó, việc tuyên truyền vận động từ trong nước là rất quan trọng, theo đó, góp phần vào ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam.
Về các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, trong dịp lễ, Tết cuối năm, nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân rất lớn, do vậy, phải đẩy nhanh việc thực hiện rà soát, tự đánh giá các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn), tập trung tại các cơ sở y tế, trường học, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tất cả các bệnh viện đã tự đánh giá định kỳ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông, nhưng mới có khoảng 30% trong tổng số 25.000 trạm y tế cơ sở, phòng khám tư nhân triển khai.
Trong khi đó, Bộ GTVT ước tính sơ bộ có khoảng 110.000 xe taxi, xe khách đường dài, xe buýt đô thị của 3.700 đơn vị kinh doanh vận tải đã có thiết bị giám sát hành trình, tài xế có thể tự khai, đánh giá và cập nhật thông tin. Bộ GTVT sẽ giao cho lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý những trường hợp không tuân thủ trong nửa sau của tháng 1/2021./.