Mặc dù việc tăng cường kiểm tra kiểm soát bảo trật tự ATGT được triển khai thường xuyên nhưng cần phải có những biện pháp quyết liệt và thực chất hơn.
Nhiều năm nay, các hộ dân sinh sống tại khu vực xã Yên Vượng, xã Đồng Tân của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn phải khổ sở vì tình trạng xe tải chở đá quá tải lưu thông trên đường gây ô nhiễm môi trường. Hàng ngày, xe tải của các mỏ đá Hoàng Khánh Linh, Võ Nói, Yên Vượng hay Thành Đông… che chắn bạt sơ sài, mặc nhiên chạy ầm ầm, tốc bụi mịt mù trên các tuyến đường thôn nhỏ bé.
Với tần suất hàng trăm chuyến đi và về mỗi ngày, “binh đoàn” xe chở đá khiến các con đường liên xã của huyện Hữu Lũng xuống cấp nặng nề, ngày mưa thì bùn lầy, ngày nắng thì bụi bặm bay mù mịt.
“Bụi lắm, riêng mùa này dù công ty có thuê người tưới nhưng vừa tưới xong là lại khô rồi, bụi mù mịt, chúng tôi ngồi đây là lại hít bụi hằng ngày. Họ chạy tốc độ cao mặc dù đường trong xã nhưng nhiều hôm còn hơn cả chạy ở ngoài Quốc lộ. Xe thì cơi nới thành thùng, xe nào xe nấy thành cao ngút, đá còn vương mãi ra ngoài” - bà Hoàng Thị Phúc, người dân thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân nói.
Phóng viên VOV có mặt tại hiện trường đã quan sát hàng loạt xe tải có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng sau khi đã “ăn đá” no nê, “ì ạch” lăn bánh từ các mỏ đá ra Quốc lộ 1A, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người những điều khiển mô tô, xe máy. Càng về tối, “binh đoàn” xe tải xuất hiện với tần suất ngày một dày đặc hơn, khiến người đi đường vô cùng khiếp sợ.
Đáng quan tâm là tuyệt nhiên không thấy bóng dáng lực lượng chức năng như Trạm CSGT Tùng Diễn (Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn) lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Lạng Sơn hay Công an huyện Hữu Lũng… xuất hiện để kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường tại những khu vực này.
Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng nhưng tình trạng trên vẫn thường xuyên xảy ra.
Chị N.H.Y, người dân xã Đồng Tân kiến nghị: “Nhiều xe họ chạy trong đường làng nhưng không kiểm soát được tốc độ, đi nhanh vô cùng, mà nhà người dân lại ở san sát đường như này, rất nguy hiểm. Chúng tôi nhiều lần cũng đã đề nghị lắp những biển hạn chế tốc độ hay đề nghị phải đi chậm khi vào đường làng, nhưng đến giờ vẫn chưa có. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri người dân cũng đề cập vấn đề bụi, vấn đề xe tải chạy như này nhưng đưa lên trên cũng chẳng giải quyết được, về xong vẫn y nguyên như thế”.
Theo thống kê của Ban An toàn Giao thông tỉnh Lạng Sơn, trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 12 vụ TNGT, làm chết 12 người (11 người tử vong do TNGT đường bộ, 1 trường hợp TNGT đường sắt); Riêng trong quý 1 năm 2022 có 3 địa bàn TNGT tăng cao là huyện Lộc Bình, Cao Lộc và Chi Lăng, đều tăng 100% về số vụ và số người chết. Những nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn thương tâm đó vẫn là hành vi sử dụng nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chở quá tải trọng, đi quá tốc độ…
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chánh văn phòng phụ trách Ban ATGT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Tại tỉnh Lạng Sơn, trong điều kiện bình thường mới, khi các hoạt động hoạt động bình thường trở lại, nhu cầu đi lại giao lưu của người dân tăng cao sau thời gian giãn cách xã hội, đồng thời xuất phát từ văn hóa uống rượu, bia của người dân trên địa bàn vẫn còn diễn ra khá phổ biến, do vậy việc người dân sử dụng nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng vì thế mà tăng cao, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Đồng thời trên địa bàn, tình trạng vi phạm về quá khổ, quá tải vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT”.
Kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT đã ban hành là vậy, tuy nhiên theo quan sát, ở nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, việc người dân tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia vẫn thường xuyên diễn ra khá phổ biến hay như tình trạng “binh đoàn” xe chở đá vẫn mặc sức lộng hành bấy lâu nay mà chưa có biện pháp xử lý dứt điểm… cũng khiến cho nhiều người dân cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Người dân mong muốn rằng các cấp các ngành tại tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là lực lượng CSGT, lực lượng Thanh tra giao thông cần phải có những biện pháp kiểm tra “thực chất” hơn, “sâu sát” hơn, chứ không chỉ là những kế hoạch đồng bộ, quyết liệt trên “giấy”… Có như vậy, chất lượng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông mới đi vào thực chất, ngăn ngừa được những tai nạn đáng tiếc xảy ra./.