Ngay sau khi Hà Nội chốt phương án tổ chức giao thông vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT “nghìn tỷ” lộ trình từ bến Kim Mã (quận Ba Đình) đến Yên Nghĩa (quận Hà Đông) từ ngày 25/12, đa số ý kiến cho rằng, việc phát triển xe buýt nhanh là điều cần thiết trong tổng thể phát triển giao thông công cộng của thành phố hiện đại.
Tuy nhiên, với thực trạng giao thông và cơ sở hạ tầng hiện nay, liệu nó có thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi. Đặc biệt, nhiều ý kiến phản hồi từ phía dư luận về việc sao lại dành nhiều đặc quyền cho tuyến xe buýt này; khi giao thông Thủ đô đang bị quá tải là việc làm mà Hà Nội cần xem xét một cách cẩn trọng, tránh những bất hợp lý.
Ưu ái quá liệu có sinh hư?
Ông Phan Chương, ở Vũ Ngọc Phan, Đống Đa cho biết, đối với đoạn đường Láng, chỗ cầu Vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương, không phải cao điểm đã luôn ùn tắc, xe máy đã phải đi cả lên vỉa hè rồi. Vậy khi xe buýt nhanh được phân làn ưu tiên đi riêng đường thì không khả thi, sẽ lại ùn tắc.
“Việc ưu tiên cho buýt nhanh, cấm một số phương tiện đi trên tuyến đường này liệu có khả thi không?, đó là điều cần tính đến. Cấm như thế những người dân vẫn phải đi, họ sẽ đi bằng gì”, ông Chương có ý kiến.
Còn ông Hà Thắng, ở Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ quan điểm: trước nay chúng ta cũng đã quá ưu ái cho xe buýt rồi, giờ đây tuyến buýt nhanh này lại được thêm nhiều đặc quyền hơn như thế này thì liệu xe buýt có “sinh hư”, họ chạy ẩu, lấn làn lấn tuyến, ai dám bảo tai nạn không xảy ra…”.
Xe buýt nhanh BRT vận hành thử ngày 17/12 khi có xe công vụ dẫn đường. |
Chị Nguyễn Thị Tâm ở Dương Nội, Hà Đông, hàng ngày thường xuyên lưu thông qua tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương để đi làm chia sẻ: tôi ủng hộ việc Hà Nội triển khai dự án xe buýt nhanh, xe buýt nhanh sẽ giúp hiện đại hóa giao thông Thủ đô, giúp cho nhu cầu đi lại của người dân được nhanh hơn. Tuy nhiên, tại các nút giao như Láng Hạ - Thái Hà, Tố Hữu - Khuất Duy Tiến sáng nào cũng ùn tắc kéo dài hàng cây số.
“Tôi không hiểu nếu dẹp đi một làn đường để đưa buýt nhanh chạy liên tục vào đó thì việc ùn tắc sẽ đến mức như thế nào”, chị Tâm đặt câu hỏi.
Xe buýt nhanh BRT chạy trong bến xe Kim Mà ngày 15/12 vừa qua |
Trong phương án tổ chức giao thông cho xe buýt nhanh, xe taxi sẽ phải chịu “lệnh” cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương (trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường). Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang xe buýt nhanh nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở GTVT.
Đường Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc kéo dài như thế này khi chưa có xe buýt nhanh BRT hoạt động. |
Chia sẻ về điều này, nhiều lái xe taxi cho đó là quy định khá bất cập. Bởi lẽ, vào giờ đó thì nhu cầu đi lại của người dân rất cao. Họ có quyền lựa chọn xe buýt hay taxi nay lại cấm taxi để xe buýt nhanh hoạt động. Liệu số lượng người lựa chọn phương tiện là buýt nhanh có nhiều hay không?
“Đặc biệt, theo thông tin tôi biết được thì vẫn cho xe taxi có đăng ký logo với Sở GTVT được phép hoạt động. Nếu thế thì hãng taxi nào sẽ được lựa chọn để đăng lý logo. Đã cấm thì phải cấm hết hoặc đã cho hoạt động thì phải cho hết. Liệu đây có phải là quy định dễ khiến cho tiêu cực nảy sinh hay không?”, một lái xe taxi đặt câu hỏi hoài nghi.
Giải pháp “cấm” không khả thi
Là người trực tiếp làm công tác hướng dẫn, phân luồng giao thông tại ngã tư Láng-Láng Hạ, dọc tuyến đường Lê Văn Lương, một chiến sỹ CSGT Đội 3, Phòng CSGT công an TP Hà Nội cho biết, vào khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều tại các ngã tư của tuyến đường này hay xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông do lượng phương tiện đi lại quá cao. Nếu dành riêng một làn đường với chiều rộng khoảng 3,5m cho xe buýt nhanh thì tình trạng ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ xảy ra.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ thì nguy cơ vỡ trận tuyến buýt nhanh này hoàn toàn có thể xảy ra, vì cán bộ yếu về chuyên môn và thiếu tầm nhìn chiến lược.
Với mật độ giao thông đông đúc như hiện nay, không biết tuyến buýt nhanh BRT sẽ vận hành như thế nào? |
Thành phố Hà Nội ùn tắc giao thông đã rất nghiêm trọng và để đáp ứng được nhu cầu của người dân thì phải mở rộng hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Những bất cập về mật độ phương tiện giao thông đông, hạ tầng chưa hợp lý thì sẽ bộc lộ khi chạy thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT.
“Hiện đường thủ đô quá chật, mặt cắt nhỏ, các phương tiện quá nhiều, nên nếu xe buýt chạy đường riêng thì phương tiện khác không biết đi đường nào”, ông Nguyễn Xuân Thuỷ bày tỏ quan điểm.
Chia sẻ về điều này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định “Sẽ dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cục bộ nếu Hà Nội cấm hàng loạt phương tiện giao thông vào giờ cao điểm để vận hành tuyến buýt nhanh”.
Ông Bùi Danh Liên lý giải, hệ thống xe buýt nhanh là loại phương tiện giao thông tiên tiến, phù hợp với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đối với Việt Nam nói riêng, việc vận hành tuyến buýt nhanh tại Hà Nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi hệ thống giao thông chật hẹp, lượng phương tiện quá đông.
“Sao đưa 1 loại phương tiện công cộng vào vận hành mà phải ưu ái quá nhiều thứ, cấm nhiều xe, đó có phải là giải pháp tốt?”, ông Liên đặt câu hỏi.
Ông Liên thẳng thắn bày tỏ: Hà Nội cần triển khai thí điểm để tìm ra những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này. Các cấp quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy, phải nhìn nhận từ thực tiễn, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người dân. Tuy nhiên chúng ta nên làm thí điểm, theo dõi và thấy bất cập là phải tháo gỡ ngay.
Cuối năm là lúc nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Cùng với việc Hà Nội đang triển khai hàng loạt dự án giao thông thì tuyến xe buýt nhanh được đưa vào vận hành thí điểm với phương án tổ chức giao thông “cấm” hàng loạt phương tiện thực sự đã gây tâm lý lo lắng cho người dân./.