Mới đây, vụ nữ sinh tên Y, trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) tự tử do uất ức, xấu hổ vì bị bêu tên trước toàn trường gây xôn xao dư luận.
Theo phản ánh của gia đình, nguyên nhân Y tự tử xuất phát từ việc nhà trường tổ chức học phụ đạo có thu phí, nhưng Y lại không tham gia hết các môn học. Bên cạnh đó, trong lớp, giáo viên bộ môn cũng cho rằng em mặc áo dài mỏng, lộ “nội y” và có lời nói làm nhiều bạn trong lớp chú ý khiến Y ngại ngùng. Đặc biệt, nhà trường cũng đã mời gia đình đến trường làm việc, yêu cầu Y phải viết bản kiểm điểm và bêu tên Y trước toàn trường trong buổi chào cờ, khiến nữ sinh cảm thấy oan ức, xấu hổ.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho rằng, vụ việc có rất nhiều nội dung gây bất bình, sai với quy định pháp luật.
Cụ thể, việc nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm là trái với Luật Giáo dục và Thông tư số 17 năm 2012. Với hành vi này, cán bộ, cá nhân vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật. Bên cạnh đó, theo Thông tư 32 về Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ 1/11/2020 cũng nêu rõ các hình thức kỷ luật học sinh THCS, THPT gồm nhắc nhở, hỗ trợ trực tiếp để học sinh nhận ra khuyết điểm, thông báo cho cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm, tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Thông tư 32, các trường không được áp dụng hình thức kỷ luật khác như bêu xấu, phản ánh sai phạm của học sinh trước toàn trường.
“Nhà trường đã tổ chức dạy thêm, học thêm là trái quy định, lại phê bình học sinh trước toàn trường khiến học sinh phẫn uất đến mức thực hiện hành vi tự tử thì rõ ràng lỗi thuộc về phía ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm của học sinh Y.
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh trước toàn trường là hành vi làm nhục người khác, khi có đơn thư tố cáo của gia đình, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc làm rõ lời lẽ, ngôn từ, hành động, thái độ của giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó với học sinh này ra sao để em phải tìm đến cái chết minh oan cho mình. Nếu quá trình điều tra phát hiện giáo viên, nhà trường thường xuyên có các đối xử tàn ác, làm nhục học sinh dẫn đến em này phải tự sát, cơ quan điều tra có thể khởi tố hình sự, khởi tố bị can về tội bức tử theo quy định tại Điều 130 Luật Hình sự 2015.
Điều này quy định, những người đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi, làm nhục người khác khiến người đó tự sát, sẽ bị phạt từ 2-7 năm tù. Trường hợp thực hiện hành vi đối với 2 người hoặc với người dưới 16 tuổi, sẽ bị phạt từ 5-12 năm tù giam. Trong vụ việc này, hành vi cháu bé tự tử đã có, hậu quả không chết do được cấp cứu kịp thời. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi đối xử tàn ác hay thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hay không. Nếu trong trường hợp học sinh thường xuyên bị làm nhục, xúc phạm trước lớp dẫn đến hậu quả như vậy thì hoàn toàn có thể khởi tố. Hành vi lạm dụng người khác, chưa đến mức nạn nhân tự tử, vẫn có thể xem là hành vi hành hạ, làm nhục người khác theo Luật Hình sự 2015”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường cho rằng, trong xã hội ngày nay, các hình thức kỷ luật cũ đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, nhà trường không biết hay cố tình vi phạm, vẫn áp dụng có những hành vi, lời lẽ khiến học sinh phải tự sát gây rúng động xã hội, phụ huynh hoang mang. Luật sư này cho rằng các cơ quan điều tra cần vào cuộc, xác minh, làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, sau khi xảy ra sự việc, gia đình nữ sinh Y đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Theo Luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật quy định, khi một cá nhân, công dân nghi ngờ hoặc phát hiện một cán bộ nhà nước hay bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật có quyền nộp đơn tố cáo đến cơ quan chức năng để yêu cầu làm rõ. Trong vụ việc này, gia đình của nữ sinh Y đã làm đơn trình báo lên cơ quan công an để điều tra làm rõ hành vi làm nhục người khác hoặc bức tử là hoàn toàn phù hợp.
“Trong việc này, phụ huynh làm đơn tố cáo lãnh đạo nhà trường là cần thiết, việc tố cáo không phải tư thù, mâu thuẫn cá nhân, mà trình báo để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, đảm bảo công bằng trước pháp luật cũng như sẽ có bài học cho người vi phạm”.
Dưới góc độ vừa là một luật sư, đồng thời là phụ huynh, ông Đặng Văn Cường cho rằng, việc một học sinh phải tìm đến cái chết để minh oan là vô cùng nghiêm trọng. Sự việc này khiến các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng khi có con em ở độ tuổi đang trưởng thành. Lúc này, các em có nhu cầu được chia sẻ, được quan tâm giúp đỡ nhiều hơn, cái tôi cá nhân, lòng tự trọng cao hơn và luôn mong muốn được đối xử bình đẳng, công bằng.
Từ sự việc này, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng gia đình, nhà trường cần có cách giáo dục mềm dẻo, khoa học, nhân văn, sẻ chia và quan tâm nhiều hơn nữa. Nếu giáo dục theo hướng áp đặt một chiều suy nghĩ cứng nhắc của người lớn sẽ thất bại, việc học sinh tự tử có lẽ vẫn có thể xảy ra sau này, để lại những hậu quả đau lòng./.