Vụ việc nữ sinh Y, học sinh lớp 10 trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) tự tử trong nhà vệ sinh trường học và để lại thư tuyệt mệnh nhằm chứng minh bản thân không có lỗi đang gây xôn xao dư luận. Rất may, ngay sau khi ngất xỉu, Y đã được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu kịp thời, hiện không nguy hiểm đến tính mạng.
Theo thông tin từ gia đình, nguyên nhân Y tự tử xuất phát từ việc nhà trường tổ chức học phụ đạo có thu phí, nhưng Y lại không tham gia hết các môn học. Bên cạnh đó, trong lớp, giáo viên bộ môn cũng cho rằng em mặc áo dài mỏng, lộ “nội y” và có lời nói làm nhiều bạn trong lớp chú ý khiến Y ngại ngùng. Đặc biệt, nhà trường cũng đã mời gia đình đến trường làm việc, yêu cầu Y phải viết bản kiểm điểm và bêu tên Y trước toàn trường trong buổi chào cờ, khiến nữ sinh cảm thấy oan ức, xấu hổ.
Theo dõi sự việc này, trao đổi với VOV.VN, PGS.TS Trần Thành Nam, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đây là sự việc rất đáng tiếc, cách làm của nhà trường đang đi ngược lại với giáo dục tích cực. “Việc bêu tên học sinh trước toàn trường là phản lại nguyên tắc kỷ luật tích cực, đây là hình thức kỷ luật dựa trên sự làm nhục trẻ, khiến trẻ cảm thấy bản thân bị giảm giá trị”.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, từ sự việc này, chính bản thân giáo viên và nhà trường cần rút ra kinh nghiệm trong ứng xử với học sinh: “Ở lứa tuổi vị thành niên, tâm lý học sinh rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em nhạy cảm với sự tự trọng, tôn trọng. Trước đây, giáo viên có thể nói với học sinh theo kiểu người trên nói với người dưới, các em coi đó là điều bình thường, nhưng ở giai đoạn cấp 3, các em sẽ cảm thấy mọi người không coi trọng hay không tin tưởng mình. Lúc này, cách ứng xử của người lớn cần hết sức cẩn trọng. Kể cả khi muốn đưa ra một lời nhắc nào đó để các em thay đổi hành vi, tốt hơn cho các em, thì cũng cần nói sao cho trẻ hiểu đúng.
Nếu cách nhắc nhở của nhà trường về việc đi học thêm để em Y thấy rằng điều đó tốt, vì tương lai của chính em, thì chắc chắn nữ sinh này đã không phải phản ứng như vậy.
Hay cách cô giáo nhắc em về trang phục để em biết rằng cô đang muốn bảo vệ em khỏi nguy cơ bị trêu ghẹo, chắc chắn học sinh sẽ không bất mãn. Tuy nhiên, cách xử lý của thầy cô lại truyền tải một thông điệp rất tiêu cực. Có thể cách cô bắt học sinh đi học thêm khiến em hiểu rằng cô đang vì quyền lợi của nhà trường hơn là quan tâm đến học sinh. Hay việc nhắc nhở trên lớp của giáo viên chưa đúng cách, khiến em cảm thấy cô không công bằng, các bạn khác cũng như vậy, nhưng cô có thể không nhắc, liệu đây có phải sự trù dập do không học thêm hay không. Có thể chính những điều này đã khiến em Y phản ứng ngược trở lại với giáo viên nhiều hơn”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Cũng theo chuyên gia tâm lý, điều sai lầm nhất là khi học sinh có phản ứng, nhà trường lại đưa lỗi này trong giờ chào cờ để nói, bêu tên. Đây là cách kỷ luật tiêu cực, khiến học sinh xấu hổ, cảm thấy nhục nhã để thay đổi.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, sau sự cố này, người lớn cần ngồi trò chuyện với trẻ, để hiểu được suy nghĩ, vì sao em phải tìm đến cái chết, để biết trẻ đã hiểu đúng về những gì đang diễn ra hay không. Giai đoạn này, bố mẹ nên ở cạnh con, để con chia sẻ hết những ấm ức, để con thấy vẫn luôn có người đứng về phía mình, sẵn sàng trao đổi với nhà trường, bênh vực con nếu có những vấn đề bất cập.
Chuyên gia giáo dục, tâm lý Trần Thành Nam cũng cho rằng, nhà trường cần tự kiểm điểm chính mình. Thầy Nam đặt ra câu hỏi, liệu mọi hình thức kỷ luật với em Y và sự việc đau lòng trên phải chăng đều bắt nguồn từ lý do học sinh này không học thêm? Liệu có hay không sự phân biệt đối xử giữa những em tham gia học thêm và những em không học?
“Nếu có chuyện này, người đứng đầu nhà trường cần chịu trách nhiệm, đồng thời chịu trách nhiệm về việc để giáo viên phê bình, gây sức ép với học sinh”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Từ sự việc này, thầy Trần Thành Nam cũng cho rằng, giáo viên cần tự kiểm điểm về cách ứng xử với học sinh, đồng thời tự tạo cho mình những kỹ năng như quản lý cảm xúc bản thân và nhận diện dấu hiệu của một số học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý có nguy cơ dẫn đến những hành động mang tính bộc phát, tiêu cực.
“Một số em rất nhạy cảm, các em hay lo lắng, có ít bạn bè, hay bị ảnh hưởng bởi những cái nhìn, thái độ tiêu cực của mọi người xung quanh, hay thường chọn những giải pháp mang tính cực đoan. Trong bất cứ tình huống nào, các em cũng cần biết có nhiều cách giải quyết và cách kết thúc cuộc sống của mình không bao giờ là đúng. Bên cạnh đó, chính bản thân các thầy cô cũng cần phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp”, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý./.