Những ánh mắt đờ đẫn, những bước đi khập khễnh và những cơn đau về thể xác khi trái gió trở trời vẫn còn đó với các nạn nhân bị thương ở hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đã gần một năm rưỡi trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn lật cầu treo Chu Va 6, dù các gia đình nạn nhân đã nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ, song với các gia đình có người bị nạn vẫn còn nhiều khó khăn.

vov_chu_va_3_ycyk.jpg
Đứa con trai mất đi để lại cho vợ chồng ông Hàng A Trùng, ở bản Chu Va 6 đứa cháu nội và vô vàn khó khăn trong đời sống
Dự kiến ngày 21/7, Tòa án Nhân dân tỉnh Lai Châu sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ sập cầu Chu Va 6 làm hàng chục người chết và nhiều người bị thương.

Trở lại bản Chu Va 6 và Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu khi ánh nắng đã xế chiều bao trùm các nóc nhà. Con đường dân sinh vào bản đã dễ dàng hơn khi được trải bằng một lớp bê tông từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cây cầu treo ngày nào nay đã được tháo dỡ, chỉ còn lại hai mố cầu ở hai đầu bản. Cuộc sống đã trở lại bình thường với đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Thế nhưng, vẫn còn không ít khó khăn khi gần một năm rưỡi nay, người dân ở hai bản vẫn phải đi lại qua cây cầu cũ, được khắc phục tạm bằng cây, que để phục vụ nhu cầu trước mắt. Đặc biệt, với thương tích mang trên mình, hầu hết các nạn nhân không thể lao động bình thường, khiến kinh tế các gia đình gặp nhiều khó khăn.

Bên ngôi nhà xây ở đầu bản Chu Va 8, ông Chang Páo Ly, nạn nhân bị đa trấn thương và nặng nhất là trấn thương cột sống trong vụ tai nạn lật cầu ngày nào vẫn khập khễnh bước đi từng bước nặng nhọc. Trước kia ông là lao động chính trong gia đình khi một mình quán xuyến hơn 1 héc ta ruộng và gần chục héc ta thảo quả, thì hơn 1 năm nay chỉ loanh quanh ở nhà với vài việc lặt vặt. Ông Ly đau buồn nhớ lại: “Vụ tai nạn đã làm bản Chu Va 8 chết 5 người, bị thương 16 người. Riêng gia đình ông có 9 người bị thương, gồm anh em, con cháu, trong đó có tới 7 người là lao động chính trong gia đình. Tất cả mọi người không ai làm được những công việc nặng nhọc, nên ruộng nương, trâu bò, nương thảo quả cũng vì thế phải bán dần đi, kinh tế cũng từ đó thêm phần khó khăn.

Ông Chang Páo Ly nói: “Cái cầu bị sập hơn một năm rồi chưa làm được, bà con đi lại rất khó khăn, đề nghị nhà nước quan tâm làm cầu cho bà con trong bản đi lại đảm bảo để lao động sản xuất. Đề nghị nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, nuôi dưỡng hàng tháng đối với các cháu bị mất cha để các cháu học được, sau này có ích cho xã hội”.

Cây cầu treo cũ được chính quyền địa phương khắc phục tạm đã hơn 1 năm là con đường duy nhất để người dân hai bản qua suối

Nằm cách đó khoảng hơn 100 mét, ngôi nhà cấp bốn của gia đình chị Hàng Thị Xi tiêu điều, xiêu vẹo hơn vì mái nhà đã thủng nhiều chỗ, bởi thiếu đi bàn tay của người đàn ông. Những ngày vừa qua, mỗi khi trời đổ mưa, chị lại phải di chuyển đồ đạc trong nhà và dùng xô, chậu để hứng nước. Trong vụ tai nạn lật cầu, gia đình chị có hai người chết, 2 người bị thương. Chồng chị đã ra đi ngay sau khi được đưa đến bệnh viện, để lại cho chị đứa con trai đầu bị thương nặng và đứa con gái chưa đầy 3 tuổi.

Chị Hàng Thị Xi cho biết: Kể từ khi chồng chết, gia đình thiếu vắng chỗ dựa người đàn ông và là lao động chính của gia đình nên kinh tế cũng vì thế mà ngày càng khó khăn. Toàn bộ diện tích thảo quả hơn 6 héc ta không người làm nên chị phải bán đi. Bây giờ cuộc sống của ba mẹ con chỉ trông chờ vào số tiền tiết kiệm do Bộ Giao thông – Vận tải, các nhà hảo tâm hỗ trợ, và tiền gửi tiết kiệm bán nương thảo quả. Chị Hàng Thị Xi nói: “Chồng mình mất rồi, con rể cũng mất tại chỗ, cháu nó bị gãy vai, cô nó bị vỡ đầu, mình rất là buồn. Mất chồng mình rất là buồn, hai mẹ con rất là vất vả, không có ai trông con nên mình không đi làm được cái gì. Mình muốn nhà nước giúp đỡ cho hai mẹ con nhà mình cho nó được sống vui vẻ, rất là buồn, không biết nói thế nào nữa”.

Cầu được khắc phục bằng những cây gỗ nhỏ nay đã cũ

Lãnh đạo xã Sơn Bình cho biết: Sau khi xảy ra sự cố lật cầu treo Chu Va 6, các hộ gia đình có người bị thương và thiệt mạng đã nhận được số tiền hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng từ cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương, các ban ngành, đoàn thể Trung ương và các nhà hảo tâm. Ngoài ra, từ các chương trình, dự án của Nhà nước, chính quyền địa phương cũng đã đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân cây, con giống và hiện nay mô hình trồng đào và trồng su su đã được hình thành. Tuy nhiên, do sức khỏe bị giảm sút, các nạn nhân bị thương vẫn không thể lao động, sản xuất bình thường như trước nên kinh tế cũng gặp không ít khó khăn. Để chia sẻ với đồng bào, xã sẽ tiếp tục quan tâm và mong sẽ có thêm chính sách để những người bị thương và thân nhân người đã mất sớm có cuộc sống ổn định./.