Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa tổ chức Lễ bàn giao Hệ thống Điều hành Điện tử Quốc hội (e-PAS) cho Văn phòng Quốc hội.

e-PAS là hệ thống quản lý toàn bộ các văn bản, hồ sơ, tài liệu (văn bản, hồ sơ giấy và điện tử ) một cách an toàn, bảo mật và luân chuyển, xử lý văn bản, công việc một cách khoa học. Hệ thống e-PAS được phát triển dựa trên nền tảng giải pháp Hệ thống điều hành điện tử đã được VNPT xây dựng và triển khai sử dụng trong nội bộ Tập đoàn từ năm 2003. Hệ thống này cũng đã và đang được triển khai theo đặt hàng tại nhiều doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước.

trao-bien-ban-ban-giao-epas.jpg
VNPT bàn giao Hệ thống Điều hành Điện tử Quốc hội (e-PAS) cho Văn phòng Quốc hội

Được xây dựng dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tích hợp các tính năng như phân quyền, giao việc, quản lý tiến độ, chất lượng công việc và tích hợp đa công cụ tiện ích như email, lịch làm việc, diễn đàn, thư viện… e-PAS là giải pháp Văn phòng điện tử thông minh giúp người dùng có thể làm việc mọi nơi, mọi lúc trên môi trường Internet, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí và điều hành hiệu quả. Ưu điểm nổi bật của e-PAS là có thể triển khai quy mô lớn, phân cấp quản lý không giới hạn; độ bảo mật và an toàn cao với việc ứng dụng nhiều lớp bảo mật và nhiều công nghệ bảo mật khác nhau; tương thích với mọi hệ điều hành, trình duyệt cũng như tất cả các thiết bị máy tính, laptop, Smartphone, máy tính bảng; khả năng bảo trì, chuyển đổi hệ thống dễ dàng…

Là cơ quan giúp việc cho Quốc hội với khối lượng công việc lớn, Văn phòng Quốc hội phải xử lý hàng chục nghìn văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo, hướng dẫn mỗi năm. Thực tế đó đặt ra yêu cầu số hóa văn bản, dữ liệu và ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành của Văn phòng Quốc hội ngày càng trở nên cấp thiết.

Với kinh nghiệm xây dựng và triển khai Hệ thống điều hành điện tử, năm 2012, VNPT đã được Văn phòng Quốc hội tin tưởng đặt hàng triển khai Hệ thống Điều hành Điện tử Quốc hội e-PAS với mục tiêu: thống nhất toàn bộ hoạt động hành chính quản trị của các cơ quan Quốc hội trong một chu trình xử lý văn bản khép kín; hỗ trợ xử lý, điều hành thông tin theo mô hình đa chiều, thông suốt giữa các cấp tại mọi nơi, mọi lúc.

Qua gần 1 năm sử dụng chính thức tại các cơ quan của Quốc hội, đến nay Hệ thống đã cho thấy kết quả hoạt động ổn định và sẵn sàng cho việc bàn giao toàn bộ.

Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Trung tin học, Văn phòng Quốc hội cho biết, việc ứng dụng hệ thống e-PAS vào hoạt động của Văn phòng Quốc hội đã mang lại những kết quả rất tốt. Trước đây, khi chưa triển khai hệ thống này, gần như toàn bộ quy trình xử lý các văn bản đi đến tại Văn phòng Quốc hội là phải thực hiện thủ công trên giấy tờ, chỉ có bộ phận văn thư chung của cơ quan tại Vụ Hành chính là sử dụng phần mềm để quản lý danh mục các văn mục đi đến, để cấp số cũng như để làm các thống kê. Vì vậy, việc xử lý văn bản mất rất nhiều thời gian, công sức và tốn kém. Ngoài ra, lãnh đạo cũng rất khó để nắm được toàn bộ quy trình xử lý.

Sau khi đưa vào sử dụng hệ thống e-PAS tại Văn phòng Quốc hội thì các lãnh đạo cũng như chuyên viên có thể truy cập hệ thống để xử lý công việc mọi nơi mọi lúc miễn là có máy tính kết nối Internet. Các cán bộ lãnh đạo có thể cho ý kiến chỉ đạo, phân công, xử lý công việc ngay khi tiếp nhận văn bản điện tử trên hệ thống e-PAS mà không cần chờ đến khi nhận được văn bản giấy. Ngoài ra, các văn bản được số hóa để chia sẻ, phục vụ chung trên hệ thống nên rất thuận lợi cho việc tra cứu, khai thác, tìm kiếm thông tin khi mà xử lý công việc và cũng giảm đi rất nhiều chi phí in ấn, nhân bản các văn bản.

Nhiều cán bộ lãnh đạo qua hệ thống này cũng có thể nắm bắt được toàn bộ quá trình xử lý văn bản từ khi tiếp nhận cho đến khi phát hành văn bản đi, biết được thời điểm các đơn vị hay cá nhân nhận được văn bản lúc nào, có thể kiểm tra, giám sát, theo dõi được toàn bộ quá trình xử lý tại các đơn vị. Nhờ đó, nâng cao được hiệu quả, chất lượng công tác điều hành và cũng tạo ra được phong cách làm việc mới hiện đại. Hiện nay, hệ thống có khoang hơn 1.000 người sử dụng. Từ đầu năm đến nay, có gần 50.000 văn bản đến và gần 16.000 văn bản đi được xử lý trên hệ thống e-PAS, hơn 30% văn bản đã được số hóa.

Theo Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội lưu trữ một lượng văn bản cũng như thông tin phát sinh ngày càng gia tăng, không gian làm việc ngày càng rộng lớn và tính đan xen, tính phức tạp của công việc rất cao nên cần thiết phải xây dựng hệ thống phần mềm để đảm bảo việc quản lý và điều hành thống nhất. Hệ thống này có khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, lưu trữ, xử lý, phân tích một lượng thông tin rất lớn để giúp các đồng chí lãnh đạo của Văn phòng Quốc hội có thể nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành.

Trong thời gian qua, Văn phòng Quốc hội đã triển khai phần mềm e-PAS và kết quả đã rất thành công và mang lại hiệu quả rõ nét. Để có thể triển khai hệ thống phần mềm này có hiệu quả thì Văn phòng Quốc hội đã tập trung đôn đốc, theo dõi, hỗ trợ các đơn vị cũng như cá nhân thúc đẩy việc sử dụng hệ thống phần mềm; giảm dần một cách hợp lý các văn bản giấy tờ, đồng thời phải bố trí đủ nhân lực CNTT. Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội cũng tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để cung cấp những kiến thức, kỹ năng về CNTT với đại biểu Quốc hội cũng như đối với cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Quốc hội để đảm bảo việc khai thác và sử dụng hệ thống phần mềm phải trở thành công việc thường xuyên trong tất cả các lĩnh vực công tác.

Việc ứng dụng hệ thống e-PAS là một bước tiến của Văn phòng Quốc hội trong nỗ lực tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước. Đây cũng là dự án quan trọng góp phần vào việc thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT –TT” của Chính phủ.

Tiếp nối Dự án Mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan Đảng và Nhà nước đã được VNPT triển khai xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 22/3/2012, việc đưa vào sử dụng hệ thống e-PAS cho Văn phòng Quốc hội thêm một lần nữa khẳng định năng lực của VNPT trong việc nghiên cứu, ứng dụng VT-CNTT để cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp, tích cực góp phần vào việc từng bước xây dựng hạ tầng VT-CNTT cho Chính phủ điện tử trong tương lai không xa./.