Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước bị chia cắt hai miền, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH, miền Nam sống dưới ách kìm kẹp của chế độ Mỹ - Ngụy. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng”, lực lượng giao bưu, thông tin tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phục vụ sự lãnh đạo của Đảng trên cả 2 chiến trường Nam-Bắc. Tại chiến trường miền Nam, giai đoạn từ năm 1954-1961 là thời kỳ ngành Giao bưu, Thông tin tổ chức đường dây thông tin liên lạc bí mật phục vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Trước yêu cầu mới của cuộc Cách mạng giải phóng miền Nam, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Sau khi được thành lập, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập các Ban chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến, trong đó có Ban Thông tin (năm 1961) và Ban Giao bưu vận (ngày 2/6/1962), đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và lực lượng của hai ngành Giao bưu và Thông tin.
Trong thời kỳ chiến tranh, lực lượng Giao bưu và Thông tin luôn cố gắng đảm bảo an toàn thông tin liên lạc |
Nhiệm vụ của Ban Giao bưu vận là xây dựng, quản lý hệ thống hành lang; tổ chức đưa đón, bảo vệ cán bộ; tiếp nhận, phát hành và vận chuyển hàng Bưu chính; xây dựng các bến bãi, kho hàng để tiếp nhận và vận chuyển hàng quân sự và các hàng chiến lược khác từ hậu phương lớn miền Bắc vào Nam theo đường bộ và đường biển...
Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam gồm các bộ phận Đài Thông tin Vô tuyến điện, Xưởng kỹ thuật và Trường Thông tin liên lạc Vô tuyến điện Lý Tự Trọng, có nhiệm vụ tổ chức cụm đài, mạng lưới thông tin liên lạc toàn miền Nam, phục vụ thông suốt việc chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam đến các chiến trường và giữ liên lạc thường xuyên với Trung ương ở miền Bắc.
Trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ và vô cùng ác liệt, lực lượng chiến sỹ giao bưu, thông tin đã không quản hy sinh, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, kiên cường, mưu trí, dũng cảm chiến đấu để giữ vững đường dây thông tin liên lạc luôn thông suốt từ Bắc vào Nam, từ Trung ương Cục miền Nam đi đến các chiến trường. Những chiến công của các chiến sĩ giao bưu, thông tin tuy thầm lặng nhưng rất đỗi anh hùng, từ việc xây dựng, bảo vệ các đường dây đưa người, vũ khí, hàng hoá từ Bắc vào Nam đến việc chuyển công văn, tài liệu, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Cục; tổ chức các phiên liên lạc của Trung ương Cục, mã dịch điện mật của đối phương… Dù bị địch càn quét, bắt bớ ráo riết, phải di chuyển qua hàng chục địa điểm nhưng trong suốt hơn 20 năm kháng chiến, những con đường giao liên, những cánh sóng thông tin vẫn lan tỏa khắp chiến trường miền Nam, tạo nên hệ thống thông tin huyết mạch quan trọng của sự nghiệp Cách mạng giải phóng miền Nam.
Không chỉ gan dạ, kiên cường trong chiến đấu, những chiến sĩ giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam còn mưu trí, sáng tạo trong công việc để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Cách mạng giao phó, như: viết tài liệu “tàng hình” bằng bạch chỉ; vận dụng hàng trăm cách ngụy trang để vận chuyển tài liệu, che dấu thiết bị điện đài; trong điều kiện thiếu thốn vẫn tự chế, lắp ráp được các thiết bị thu phát vô tuyến điện; tạo ra các cụm đài thật, tín hiệu giả (đài B6) để đánh lạc hướng đối phương…
Với tinh thần kiên trung, trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục đã làm nên những chiến công vẻ vang, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ban Giao bưu vận đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa phục vụ chiến trường; đưa đón hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ an toàn. Ban Thông tin liên lạc đã thiết lập được mạng lưới thông tin luôn thông suốt từ Trung ương đến các Khu, Tỉnh với hàng trăm đài các loại; lưu thoát được hàng chục nghìn bức điện; phục vụ hàng nghìn phiên liên lạc cho Trung ương Cục. Trường thông tin liên lạc vô tuyến điện Lý Tự Trọng thuộc Ban Thông tin đã đào tạo ra trên 500 học viên báo vụ, kỹ thuật điện đài vô tuyến điện cho các chiến trường và trên 20 học viên kỹ thuật, báo vụ cho Campuchia; tập huấn nghiệp vụ cho hơn 100 báo vụ miền Bắc chi viện miền Nam, góp phần tăng cường, phát triển, hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện khu vực Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Để làm nên những chiến công ấy, đã có 5.000 cán bộ, chiến sĩ giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam anh dũng hy sinh, hàng nghìn người mang thương tật suốt đời.
Năm 1975, sau ngày đất nước được thống nhất, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất các lực lượng cán bộ công nhân viên chức Ban Giao bưu vận, Ban Thông tin miền Nam và cán bộ viên chức của Tổng cục Bưu điện Trung ương vào chi viện. Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.
Những chiến công vẻ vang của Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam đã góp phần hun đúc nên truyền thống “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” của ngành Bưu điện. Tiếp nối truyền thống đó, bước vào thời kỳ Đổi mới, ngành Bưu điện đã làm nên kỳ tích tăng tốc phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, xây dựng nên mạng lưới BCVT Việt Nam hiện đại, đồng bộ, ngang tầm thế giới, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới.
Đóng góp vào những bước phát triển mạnh mẽ của ngành BCVT trong thời kỳ đổi mới, CNH-HĐH đất nước không thể không nhắc đến vai trò đi đầu của VNPT - doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực VT-CNTT. Qua hai giai đoạn tăng tốc độ phát triển (1993 – 1995 và 1996 - 2000) và giai đoạn hội nhập phát triển từ 2001 đến nay, cơ sở hạ tầng của BCVT - CNTT Việt Nam đã được hiện đại hóa, phát triển vượt bậc với những đóng góp nền móng quan trọng của VNPT. Nếu như năm 1996, Việt Nam mới chỉ có 1 triệu thuê bao điện thoại thì đến tháng 12/2003, mạng điện thoại của VNPT đã đạt 7 triệu thuê bao, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên 8 máy/100 dân, hoàn thành trước 2 năm chỉ tiêu mà Đại hội Đảng IX đề ra cho năm 2005. Tháng 10/2004, VNPT đã chính thức khai trương cung cấp các dịch vụ trên nền mạng viễn thông thế hệ mới NGN và đến nay toàn bộ hạ tầng mạng lưới của VNPT đã là một mạng IP tích hợp, đáp ứng các yêu cầu về quản lý và phát triển một mạng viễn thông hiện đại, đồng bộ và tích hợp đa dịch vụ với chất lượng cao.
Đến hết năm 2007, VNPT đã hoàn thành mục tiêu đưa điện thoại đến 100% số xã trên cả nước; 92% số xã có báo đọc trong ngày, đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụInternet đến vùng sâu, vùng xa. Tháng 4/2008, VNPT thêm một lần nữa ghi dấu ấn của mình khi phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 và chỉ 4 năm sau tiếp tục phóng thành công VINASAT-2, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT-CNTT, phát thanh, truyền hình.
Với những đóng góp to lớn của lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam, ngày 25/4/ 2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định 804/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam.
Ngày 15/8, tại TP HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam./.