Sáng 12/4, Bộ Y tế tổ chức họp với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) tại Việt Nam về tình hình dịch cúm A/H7N9 nhằm chủ động đối phó khi loại virus này đang có dấu hiệu thích ứng nhanh với các loài động vật có vú ở Trung Quốc.

Theo WHO, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh gần nhau là Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang. Đến nay vẫn chưa xác đinh được nguồn lây nhiễm virus. Tuy nhiên, qua phân tích gen cho thấy chủng virus này đã tiến hóa từ virus cúm gia cầm nhưng không lây truyền qua thực phẩm nấu chín kỹ và chế biến đúng cách. Người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và không mua bán, sử dụng gia cầm ốm chết.

virus%20cum.jpg
Bộ Y tế kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị cúm A/H7N9 tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (Ảnh: TNO)

Bác sỹ Nguyễn Thị Phúc, Cán bộ Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc cho thấy, chưa có trường hợp nào lây bệnh sau khi tiếp xúc với bệnh nhân cúm A/H7N9; nhưng những biến đổi của virus này đang cho thấy những quan ngại về việc cúm A/H7N9 có thể xảy ra trên động vật có vú.

“Virus cúm A/H7N9 có những gen bên trong rất giống với H9N2 và việc giải trình tự gen tại Trung Quốc cho thấy, virus H7N9 đang có những thay đổi để thích ứng với động vật có vú, có thể gây bệnh cho động vật có vú. Virus này có thể bị tiêu diệt bởi thuốc Tamiflu và Zanamivir nhưng đó mới là kết quả trong phòng thí nghiệm”- bác sỹ Nguyễn Thị Phúc nói

Đại diện tổ chức FAO cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh cúm A/H5N1 đang diễn ra trên đàn gia cầm như hiện nay, Việt Nam cần kiểm soát chặt việc xuất nhập khẩu gia cầm, hỗ trợ các địa phương giám sát dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm khi có dịch trên gia súc, gia cầm. Trên thị trường thế giới đã có vaccine tiêm phòng chủng virus H7 nói chung cho gia cầm, nhưng với H7N9 cần nghiên cứu thêm trước khi có khuyến nghị tiêm phòng trên gia cầm. Bên cạnh việc chủ động phòng chống virus cúm mới H7N9 cần hết sức cảnh giác với cúm A/H5N1, nhất là khi tỉnh Đồng Tháp vừa có người tử vong vì virus cúm A/H5N1.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Hai Trung tâm phòng chống cúm quốc gia được WHO công nhận là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM đã sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra và hoàn toàn xác định được virus cúm A/H7N9 bằng biện pháp giải trình tự gen.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Chúng tôi đã triển khai giám sát trên đàn gia cầm, kể cả trên chim yến chết tại Ninh Thuận và Khánh Hòa nhưng chỉ phát hiện cúm AH5N1, chưa phát hiện cúm AH7N9. Mặt khác, chúng tôi cũng chủ động giám sát trên các bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi ở tất cả các bệnh viện và kết quả chủ yếu là cúm mùa H3N2, chưa phát hiện người nhiễm cúm AH7N9”.

Cũng tại cuộc họp, Tiến sỹ Takeshi Kasai đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, nhận định của Bộ Y tế Việt Nam và WHO về dịch cúm A/H7N9 khá tương đồng. Việt Nam đã có kế hoạch ứng phó với dịch bệnh và việc tiếp theo là theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh. WHO cam kết hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin về dịch bệnh với Bộ Y tế Việt Nam./.