Sáng nay (23/11), tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phố hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em.

p4_etqh.jpg
Các cơ sở pháp lý để thực hiện Luật trẻ em đã được ban hành và tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam cũng còn nhiều thách thức, hạn chế. Ảnh Zing.

Tham dự hội nghị có ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, sau 2 năm Luật Trẻ em được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến về chất lượng, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em.

Các cơ sở pháp lý để thực hiện Luật trẻ em đã được ban hành và tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam cũng còn nhiều thách thức, hạn chế, như: ở một số địa phương tình trạng quan tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện quyền trẻ em chưa đúng mức, không có văn bản chỉ đạo hoặc chỉ đạo chưa kịp thời;

Việc phối hợp trong trao đổi thông tin, báo cáo kết quả hoạt động và thực hiện quyền trẻ em theo trách nhiệm được giao của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức còn chậm và chưa đầy đủ; ngân sách bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tuy tăng hàng năm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, quy định các hành vi bị cấm, xâm phạm đến quyền trẻ em, quy định rõ nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt, trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm phối hợp thực hiện quyền trẻ em...

Với những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, cần xác định rõ thực trạng, nguyên nhân tồn tại, hạn chế, cần bàn, đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại của trẻ em, bảo đảm nguyên tắc "dành những gì tốt nhất cho trẻ em, hướng tới tương lai".

Trong đó, cần quan tâm đến chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 8 tuổi; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến nhóm vị thành niên.

“Cần lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, nhất là trong kế hoạch trung hạn 5 năm sắp tới. Trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã được lồng ghép vào các nội dung y tế, giáo dục và chăm sóc sức khỏe giáo dục trẻ em. Nội dung này rất cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền trẻ em và thực hiện quyền trẻ em vừa bảo đảm tính khả thi, đáp ứng tiến trình hội nhập nhưng cần tuân thủ Luật Trẻ em và Công ước về Quyền trẻ em có hiệu quả”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, để thực hiện đầy đủ các chính sách phát triển toàn diện trẻ em thì một vấn đề lớn đặt ra là hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân như thế nào sao cho có hiệu quả.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về các chính sách phát triển toàn diện trẻ em và việc triển khai các chính sách thực hiện quyền trẻ em trong thời gian tới./.