Về khuôn khổ pháp lý bảo vệ trẻ em, có thể nói Việt Nam có khá nhiều, nhưng lỗ hổng cũng lắm. Chúng ta có thể kể đến việc: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990; Luật Trẻ em năm 2016 và nhiều nghị định, văn bản dưới luật có liên quan.
Một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) từng nhận định: Việt Nam còn thiếu một hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện để ứng phó với tình trạng gia tăng trẻ em bị bỏ rơi, xao nhãng, lạm dụng và khai thác cũng như tội phạm thanh thiếu niên.
Ảnh minh họa |
Theo nhiều luật sư, trên thực tế vẫn còn những lỗ hổng trong các quy định về bảo vệ trẻ em, còn những quy định, yêu cầu cứng nhắc.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đề nghị: "Tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên xem xét, làm rõ, cân nhắc trong vấn đề đòi hỏi chứng cứ quá cứng nhắc, kéo dài vụ án, để các em bị tổn thương rất nhiều. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng khi vào cuộc thì quan tâm đến những trường hợp đặc thù như: các em chưa được 13 tuổi, các em bị câm điếc, khuyết tật…những trường hợp này phải quan tâm hàng đầu."
Quận 8, TPHCM có khoảng 84.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có nhiều trẻ sống trong môi trường không an toàn. Trong 2 năm 2017-2018, đã xảy ra 5 vụ xâm hại trẻ, chủ yếu ở các nhà trọ, công trình xây dựng. Đáng nói là khi sự việc xâm hại trẻ em xảy ra thì quy định xử lý, can thiệp còn chung chung, chưa xác định rõ đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm chính xử lý, can thiệp đối với trẻ khi trẻ bị xâm hại.
Trong một cuộc khảo sát về thực hiện Luật Trẻ em, công tác phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em của HĐND TPHCM mới đây, quận này đề nghị có một quy trình xử lý có quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan.
Theo Luật Trẻ em 2016 và Quyết định số 856 ngày 15/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em, Việt Nam có 18 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ quyền trẻ em ở các cấp độ khác nhau nhưng thực tế không có cơ quan nào chuyên trách ở cấp tỉnh. Bộ phận bảo vệ và chăm sóc trẻ em hiện nay là một phòng của Sở Lao động- Thương binh- Xã hội. Công tác truyền thông cũng chưa thực sự mạnh và hiệu quả.
Ví dụ như, không phải ai cũng biết khi xảy ra vụ việc thì người lớn cần đến: “UBND phường, xã nơi xảy ra vụ việc hay nơi trẻ em cư trú, cơ quan công an các cấp, đường dây tư vấn trẻ em 111- Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em. 113– Tổng đài phản ứng nhanh của Công an TP. 1900545559 là điện thoại của trung tâm công tác xã hội trẻ em, cơ quan Lao động-Thương binh- Xã hội các cấp”để phản ánh.
Để việc bảo vệ trẻ được tốt hơn, phòng tránh những điều đáng tiếc xảy ra với trẻ và nhất là để những vụ xâm hại trẻ không bị chìm vào quên lãng,Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM Nguyễn Nhật Nam đề nghị, cần sửa đổi, quy định hành vi quấy rối tình dục là một tội danh độc lập, cần quy định cụ thể hơn về việc ẩn danh với bị hại. Cho phép cơ quan điều tra tiến hành những đặc thù riêng để thu thập những chứng cứ, hành vi xâm hại; thống nhất cách xử lý trong trường hợp chỉ có lời khai của đối tượng. Các cơ quan ở địa phương tăng cường hướng dẫn các gia đình kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại, kịp thời tố giác hành vi xâm hại đến các cơ quan chức năng.
Cùng chung quan điểm này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội cho rằng: "Cần phải truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các bậc cha mẹ, giáo viên, những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em, sẵn sàng lên tiếng tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em. Việc phối hợp trong tiếp nhận, xử lý thông tin giữa các cơ quan có trách nhiệm cũng phải kịp thời, đồng bộ, tuân thủ các quy trình đặc biệt theo quy định."
Trách nhiệm của gia đình, nhà trường, đoàn thể và các cơ quan bảo vệ trẻ em cần được nâng cao ngay từ khâu phòng tránh, chứ không để chuyện xảy ra rồi mới xử lý.
Thời gian qua, nhiều vụ trẻ bị xâm hại ngay trong chính gia đình mình, trường học mình, đối tượng xâm hại trẻ chính là người thân, giáo viên, hàng xóm… mà đến khi xảy ra rồi mọi người mới bàng hoàng và tìm chứng cứ để xử lý, không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Như với vụ đối tượng Nguyễn Hữu Linh với bé gái ở một chung cư của quận 4, bà Trần Hải Yến- Phó Trưởng ban Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM cho rằng, xử lý được là do có camera, nhưng còn nhiều vụ khác rất khó khởi tố các đối tượng vi phạm vì không có chứng cứ.
Bà Yến đề nghị chính quyền TP vận động tại các nhà trọ, các công trình gắn thêm camera giám sát để cho các đối tượng tội phạm thấy mà không dám làm bậy, đồng thời nếu có xảy ra vi phạm thì cũng có camera trích xuất làm chứng cứ.
"Cái chính là phải chủ động phòng ngừa. Bởi vì sự việc xảy ra rồi thì rất đau lòng. Chúng ta xử lý được hay không xử lý được thì cũng rất là đau lòng. Và khi chúng ta xử lý không được, chậm, treo thì lại gây ra bức xúc cho người dân, dẫn đến sự việc là người dân sẽ không tin tưởng", bà Yến nói.
Cộng đồng cần thay đổi cách nhìn về truyền thông trong vấn đề này. Truyền thông không chỉ là phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa chỉ, biện pháp, cách thức bảo vệ trẻ, nhận biết khi trẻ bị xâm hại, lạm dụng…Ở đây phải làm tốt vai trò của đoàn thể kiểu như đi từng ngõ- gõ từng nhà để am hiểu hoàn cảnh từng trẻ thì mới có thể hướng dẫn cho phụ huynh cách đề phòng, ngăn ngừa hoặc chính cơ quan chức năng đoàn thể đứng ra bảo vệ trẻ.
Ảnh: Khôi Minh |
Dịp này, các nơi đang có nhiều hoạt động mừng Quốc tế thiếu nhi 1/6. Thiết nghĩ, ngoài các hoạt động vui chơi giải trí, thì mỗi người lớn hãy dành thời gian và sự quan tâm cho trẻ nhiều hơn, chu đáo hơn, không để có những “bất ngờ” hay “không nghĩ việc lại như vậy” mà chúng ta hay nghe được trong các vụ xâm hại, lạm dụng trẻ em, đó cũng là một món quà./.
Nhận diện những bất cập trong công tác bảo vệ trẻ em