Tiếp tục tìm lời giải cho cuộc sống của các nữ công nhân trong các KCN, VOV.VN phỏng vấn TS Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Hiện nay có khoảng 1,8 - 1,9 triệu lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng điều đáng buồn, theo ông Bùi Sỹ Lợi - các KCN, KCX tự quản lý công nhân trong khu vực của mình trong khi chính quyền địa phương lại gần như không nắm được gì. Khi xảy ra biến cố nào đó, thì thiệt thòi chủ yếu thuộc về người lao động.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự hiểu biết pháp luật của các công nhân này và việc quản lý họ hiện nay?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Lực lượng lao động này chủ yếu từ nông thôn vào thành thị, phần lớn trình độ văn hóa thấp, nhận thức thấp, tay nghề thấp, cho nên tư duy, hiểu biết về mặt xã hội có nhiều hạn chế. Đáng buồn hơn là ở các khu công nghiệp không có một cơ quan nào được giao chủ trì quản lý, theo dõi nắm bắt các vấn đề này, ngay cả chính quyền địa phương cũng không nắm được. Doanh nghiệp thì người ta chỉ quản lý lao động trong giờ làm việc còn ngoài giờ làm việc người lao động tự do.
Trong khu công nghiệp thiếu trường học, nhà trẻ cho con cái của công nhân. Cho nên, điều quan trọng mà nhiều người mong muốn là nhà nước thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp. Thời kỳ bao cấp, DN phải lo nhà ở cho người lao động. Bây giờ rất ít DN xây dựng ký túc xá cho công nhân.
PV: Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao quản lý được lực lượng lao động này. Nhưng ai quản lý đây, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Khi thu hồi đất hình thành khu công nghiệp, theo quy định của Nhà nước là phải đảm bảo được ba lợi ích: lợi ích cho người dân lao động mất đất khi thu hồi đất làm khu công nghiệp, thứ hai là lợi ích của Nhà nước và của cơ quan doanh nghiệp được quyền sử dụng đất thu hồi đó.
Cũng theo qui định của Chính phủ, dân cư ở những địa bàn bị thu hồi đất phải được ưu tiên tuyển vào làm việc, giúp người lao động nông thôn “ly nông bất ly hương”.
Nhưng nếu DN không nhận lao động tại chỗ hoặc là không đủ điều kiện để nhận lao động tại chỗ thì lập tức lao động ngoại tỉnh tràn vào. Khi đó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội.
Trước thực tế này, theo tôi, nhà nước phải nghiên cứu để hình thành một mô hình có sự quản lý về dân cư, vì lúc này hộ khẩu, hộ tịch, rồi công an cũng không quản lý hết được. Nếu chúng ta có một khu chung cư có ban quản lý do Nhà nước đầu tư xây dựng để hỗ trợ công nhân có thu nhập thấp thuê mướn với giá hợp lý thì mình sẽ quản lý được.
Nhà trọ thuê của dân thì điều kiện tồi tệ, nhưng nguy hiểm hơn là chủ nhà không quản lý được, người lao động, đi - về tự do. Khi nhận thức kém thì họ dễ rơi vào tệ nạn xã hội.
PV: Ông có nghe nói đến tình trạng “4 không”, trong đó có không sách báo, của các nữ công nhân trong các KCN?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Không phải chỉ có lao động công nghiệp mà cả lao động nông thôn, lao động khu vực phi chính thức cũng chung tình trạng này. Những nhu cầu tối thiểu về nhà ở, giáo dục, y tế, nước sinh hoạt và thông tin là điểm yếu nhất của người lao động. Do tiếp cận thông tin hạn chế dẫn đến nhận thức của con người không phát triển.
Để khắc phục tình trạng này, vai trò của công đoàn rất là quan trọng. Luật công đoàn quy định bất cứ một DN nào cũng phải thành lập công đoàn. Công đoàn có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động và các quan hệ khác theo quy định của pháp luật, đặc biệt là thời giờ làm việc, không nên để chủ doanh nghiệp sử dụng lao động một cách tùy tiện vì đấy là hình thức bóc lột sức lao động. Tình trạng khó quản lý hiện nay là DN kéo dài thời gian lao động, nhưng trả tiền lương cho người lao động lại không được tương xứng.
Nếu DN kéo dài thời gian làm việc không chỉ có hại cho sức khỏe, mà kéo theo hệ lụy như năng suất lao động thấp đi; tỷ lệ tai nạn lao động gia tăng. Tai nạn lao động xảy ra thì người lao động thiệt đã đành, chủ sử dụng lao động cũng thiệt. Công đoàn cơ sở có trách nhiệm giúp người lao động nắm bắt thông tin, hiểu biết pháp luật quy định như thế nào để người ta xử lý được vấn đề và thực hiện đúng pháp luật.
Chính vì thế, cần đẩy mạnh vai trò của công đoàn, bây giờ công đoàn được sử dụng 2% lệ phí công đoàn. Số tiền này là để tuyên truyền, giáo dục, quản lý và để bảo vệ người lao động. Nếu không bảo vệ được quyền lợi của người lao động thì trách nhiệm này công đoàn cũng phải có một phần, đặc biệt là công đoàn cơ sở. Công đoàn hiện nay chủ yếu ăn lương của doanh nghiệp, hoàn toàn phụ thuộc doanh nghiệp thì làm sao mà đứng ra bảo vệ người lao động được.
PV: Các DN tuyển dụng công nhân từ 18 -20 tuổi, nhưng chỉ được 7-10 năm là sa thải. Vậy chúng ta có tính đến bài toán “hậu công nghiệp” của các nữ công nhân này, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo quy định hiện hành người lao động hiện nay làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên mới phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Sắp tới, Luật bảo hiểm xã hội sẽ quy định cả NLĐ làm việc theo hợp đồng từ một tháng đến dưới 3 tháng, không cần hợp đồng bằng văn bản, chỉ cần là hợp đồng bằng lời nói có trả lương, đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đây chính là một yếu tố quản lý yêu cầu chủ sử dụng lao động, người lao động phải thực hiện nghiêm túc theo pháp luật. Nếu làm được điều này, sẽ hạn chế được các DN sử dụng lao động theo kiểu vắt kiệt rồi sa thải.
Chúng tôi đang kiến nghị nên có một chương về tố tụng lao động trong Bộ luật tố tụng dân sự để xử lý các quan hệ lao động, nếu có vi phạm thì đưa ra tòa là tốt nhất. Trước mắt, công đoàn phải bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nếu DN buộc thôi việc, loại trừ người lao động đều phải giải quyết trợ cấp thôi việc cho họ.
Nói chung, không có chủ sử dụng lao động nào không muốn sử dụng hết công suất của người lao động, đến khi không khai thác được nữa thì loại ra. Mục tiêu của chủ sử dụng lao động là lợi nhuận, không phải vì mục đích xã hội. Rất ít các ông chủ có trách nhiệm cao đối với người lao động.
Đối với những tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động như VCCI, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội ngành nghề, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng phải giáo dục, tuyên truyền, vận động và có những biện pháp quản lý, động viên, hỗ trợ để cho chủ sử dụng lao động làm việc theo pháp luật và có trách nhiệm xã hội.
PV: Vậy theo ông cần có cách quản lý như thế nào để hạn chế những mặt trái của xã hội tác động đến đời sống công nhân?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Phải suy nghĩ một mô hình, tất cả người di cư, hay người lao động ở nơi khác đến địa phương đó thì chính quyền địa phương nơi đến phải có trách nhiệm theo dõi, quản lý, giúp đỡ thì mới biết được đời sống công nhân thế nào, văn hóa, xã hội, vấn đề giáo dục, con cái… để hỗ trợ. Cứ để cho doanh nghiệp quản lý theo kiểu khu công nghiệp như hiện nay sẽ rất khó khăn. Điều 112 của Hiến pháp quy định trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó. Theo đó, chúng ta hoàn toàn có khả năng giao thêm nhiệm vụ này cho các địa phương. Thực tế, việc quản lý xã hội hiện nay rất phức tạp nhưng lại không phân định rõ trách nhiệm. Cần quy định, tất cả những người di cư đến địa bàn đó thì chính quyền địa phương phải nắm, quản lý, theo dõi, và người lao động phải có trách nhiệm báo cáo về hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng với địa phương.
Chuyện xảy ra ở một số KCN, một số công nhân vào đập phá các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, là do Ban quản lý, chính quyền địa phương không quản lý được, không nắm được tư tưởng của người lao động. Ban quản lý KCN được nhà nước giao chức năng quản lý Nhà nước thì phải có trách nhiệm ở đây. Đây không phải là mô hình chính quyền nhưng được sử dụng một số chức năng nhiệm vụ như chính quyền địa phương.
Ban quản lý các khu công nghiệp phải nắm được số lượng, cơ cấu lao động, tình hình lao động, tình hình đời sống, vấn đề học hành, con cái,... Điều quan trọng nhất là khu công nghiệp cũng phải phối hợp với công đoàn cơ sở, công đoàn khu công nghiệp làm trung tâm để tuyên truyền giáo dục, huấn luyện các kiến thức, kỹ năng sống cho công nhân. Và nếu có sự tham gia quản lý của chính quyền địa phương thì điều này hoàn toàn tốt.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, tại các KCN, do cơ sở hạ tầng, quản lý lao động biến đổi nên người lao động “nhảy” từ DN này sang DN kia, chưa kịp gia nhập công đoàn, nên họ ngại khi nhờ công đoàn bảo vệ quyền lợi vì họ chưa thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm gì ở DN. Thực tế này đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều lao động không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, về quyền lợi của họ khi tham gia quan hệ lao động. Họ chỉ thấy một DN tuyển lao động với mức lương cụ thể và họ "đâm" đơn vào ký hợp đồng với thời hạn 3 tháng, thời vụ, hợp đồng miệng… có đến hơn 1% là hợp đồng miệng. Cho nên, khi tranh chấp lao động xảy ra, có chuyện DN bóc lột sức lao động thì không có ai bảo vệ họ cả cho dù họ đã ký hợp đồng đúng qui định, đúng mẫu… chỉ vì kiến thức của họ hạn chế nên không biết nhờ đến ai.
>> Bài 1: Khoảng tối ở các khu công nghiệp: Dân khổ, ai sướng?>> Bài 2: Hàng chục nghìn nữ công nhân đối diện nguy cơ ế chồng?>> Bài 3: Khoảng tối ở khu công nghiệp: Phá thai chui là chuyện thường ngày>> Bài 4: Đời sống bấp bênh của hàng chục nghìn công nhân nữ thật đáng lo ngại!>> Bài 5: Vấn đề của nữ công nhân ở KCN: Chính quyền cũng phải tham gia quản lý