Mấy ngày nay, dư luận xã hội đặc biệt dành sự quan tâm tới cuộc thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức. Cuộc thi được xem là chưa có tiền lệ ở ngành GTVT cũng như chưa từng diễn ra ở các ngành khác bởi sự công phu từ khâu thông báo, tổ chức và giám sát thi. 

Chúng ta dễ nhận thấy sự khác biệt của cuộc thi này so với những cuộc thi công chức, tìm kiếm cán bộ lãnh đạo ở các địa phương đã từng tổ chức là ngay từ bên ngoài phòng thi, những tấm biển được đặt ngay ngắn với nội dung: Phòng thi - không nhiệm vụ miễn vào, phòng chờ của thí sinh, cán bộ coi thi. Hội đồng thi được niêm phong, quản lý chặt chẽ. Khu vực thi còn có nơi dành riêng cho báo chí được bố trí gần phòng thi.

Toàn bộ diễn biến cuộc thi được kết nối tường thuật trực tiếp từ bên trong phòng thi để các cơ quan báo chí theo dõi, giám sát và có thể nhận xét, bình luận phần dự thi của các ứng cử viên một cách khách quan, có thiện ý.

11-tong-cuc-truong.jpg
Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện (ngoài cùng bên phải) - ảnh: VTC

Sự cầu kỳ, kỹ lưỡng trong khâu tổ chức thi đã cho thấy quyết tâm, chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của Bộ GTVT đối với việc tìm kiếm những người lãnh đạo thực sự xứng đáng vào vị trị lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ.

Thông qua cuộc thi này, các ứng cử viên đã có được sự bình đẳng trong tiếp cận vị trí lãnh đạo cao hơn. Dù trúng tuyển hay không nhưng năng lực của họ được kiểm chứng, đánh giá, phán xét minh bạch, công khai.

Cuộc thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ của Bộ GTVT chỉ là bước đầu thực hiện cải cách thi tuyển công chức và vị trí lãnh đạo của các cơ quan, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để cuộc thi như thế này được nhân rộng thì còn nhiều thách thức lớn.

Trước tiên, ở các cơ quan, doanh nghiệp, có những lãnh đạo rất mạnh dạnh trong cải tiến thi tuyển, đề bạt cán bộ và được công luận, dư luận xã hội đánh giá cao nhưng không phải sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, nhân viên trong đơn vị.

Trên thực tế, không hẳn một cơ quan nào cứ tổ chức thi tuyển sẽ thu hút được nhiều ứng viên dự thi. Điển hình như đợt thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp), dù đã thông báo cả thời gian dài nhưng cũng chỉ có 2 ứng viên đăng ký và đáng nói cả hai đều là “người trong nhà”. Hay như Bộ Tư pháp cũng dự tính thi tuyển lãnh đạo Cục Thi hành án nhưng do chỉ có duy nhất 1 ứng viên nên cuối cùng vẫn phải bổ nhiệm theo quy trình thông thường. Lần này, Bộ GTVT tổ chức thi lãnh đạo cho chức danh Tổng cục Đường bộ nhưng cũng chỉ có 4 ứng viên tham dự.

Từ trước đến nay, ở nước ta, việc bố trí, sắp xếp cán bộ phần lớn vẫn dựa trên cơ sở quy hoạch theo hình thức cơ quan chủ động đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển. Việc thi tuyển vẫn dựa theo các mối quan hệ “duy tình” và ở đâu đó còn có hiện tượng tiêu cực, “chạy” chức. Vì vậy, công khai, minh bạch trong những cuộc thi công chức, vị trí lãnh đạo như cách làm ở Bộ GTVT không dễ dàng thực hiện.

Ở nhiều nước trên thế giới đã có những cách thức, công cụ đánh giá năng lực, khả năng tổng quan của con người rất khoa học, chính xác trên tất cả các lĩnh vực. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức có thể nhận biết được kiến thức của các ứng cử viên cũng như kỹ năng mà họ có thể vận dụng vào trong cuộc sống, công việc đến đâu.

Tại các nước, có những người đã được trúng cử vào vị trí cao sẵn sàng chấp nhận chức vụ thấp hơn so với vị trí đã trúng cử sau khi đã kinh qua công việc. Có những lãnh đạo sẵn sàng tự giác từ chức khi không hoàn thành trách nhiệm công việc hay họ cảm thấy vị trí lãnh đạo chưa phù hợp với khả năng.

Còn ở Việt Nam chưa có kinh nghiệm, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để tổ chức cuộc thi vào vị trí lãnh đạo một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch. Việc đánh giá con người chủ yếu dựa theo kiến thức mà họ tiếp nhận là chủ yếu. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, việc đánh giá theo kiến thức chỉ là một phần nhỏ mà quan trọng là cách thức người đó xử lý tình huống công việc dựa trên những gì đã được học hỏi như thế nào. 

Hơn nữa, ở nước ta chưa có cơ quan kiểm định chất lượng và tiêu chí đánh giá năng lực toàn diện cũng như sáng kiến của cán bộ, công chức đưa ra nhằm phục vụ lợi ích tập thể, xã hội thông qua chỉ 1 cuộc thi.

“Hiền tài thời nào cũng có. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Từ xưa đến nay, ông cha ta đã thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng nhân tài đối với sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước nên luôn biết trọng dụng, chiêu hiền đãi sĩ.

Thông qua các cuộc thi như: thi hương, thi hội, thi đình…, ông cha ta đã chiêu mộ được biết bao nhân, trí sĩ có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, văn võ song toàn để sử dụng trong những việc trọng đại của xã tắc như: mưu lược dẹp giặc ngoại xâm, trị quốc, bình thiên hạ...

Ngày nay, các cuộc thi tìm kiếm người tài giỏi vào những vị trí lãnh đạo quan trọng của một cơ quan, doanh nghiệp đang dần được đổi mới như cách thức mà Bộ GTVT vừa tiến hành. Để nhân rộng mô hình này tuy còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần có thời gian nhưng đây được coi là tiền đề cho cải cách, công khai, minh bạch những cuộc thi tuyển dụng công chức, cán bộ lãnh đạo ở cấp Trung ương đến địa phương. Và điều quan trọng hơn cả là người dân có thể “chọn mặt gửi vàng”, tin tưởng vào tài năng, sự cống hiến, trách nhiệm của những người đã được đề bạt, trọng dụng./.