Triển lãm trưng bày 190 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về hậu quả của bom mìn và chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam; công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.
Hình ảnh mô tả lại công tác rà phá bom mìn tại Việt Nam. |
Theo thống kê, chỉ riêng số bom mìn, vật nổ từ năm 1945 đến năm 1975 trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với chiến tranh thế giới thứ 2.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn khoảng 800.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.
Diện tích ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,7% tổng diện tích của cả nước, có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc dioxin.
Bằng nguồn lực trong nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhóm cố vấn bom mìn MAG tại Việt Nam, mỗi năm Việt Nam rà phá được từ 40.000 đến 50.000 ha ở các khu vực ô nhiễm bom mìn.
Vũ khí hóa học quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược tại Việt Nam. |
Ông Châu Phước Hiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng chứng tích Chiến tranh cho biết: “Trong cuộc triển lãm này với khoảng hơn 190 tư liệu, hình ảnh, hiện vật đã khắc họa những công việc thầm lặng của những người được giao nhiệm vụ khôi phục những vùng đất chết. 40 năm trôi qua, Việt Nam chúng ta đã nỗ lực để khôi phục lại môi trường, khắc phục những hậu quả của chiến tranh. Trả lại sự sống cho những mảnh đất và tạo điều kiện cho công cuộc phát triển của đất nước”
Triển lãm trưng bày từ nay đến ngày 20/8 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quận 3, TP HCM./.
Hình ảnh: Trưng bày hơn 40 mẫu vật bom mìn phục vụ tuyên truyền