Trong hai ngày 8-9/12, Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh tổ chức trưng bày chuyên đề “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên". |
Theo Ban tổ chức, Tây Nguyên một thời là “túi bom, chảo lửa”, nên có nhiều diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn. Riêng Đăk Lăk, có tới 143/148 xã vẫn có bom mình sót lại từ thời chiến tranh, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn lên tới hơn 12 nghìn héc ta. |
Về tai nạn thương tích, do tò mò, thiếu hiểu biết, trẻ em là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất bởi bom mìn, chiếm tới 38% tổng số nạn nhân. |
30% số nạn nhân tiếp theo là người lớn, khi cố tình cưa, đục bom mìn để lấy thuốc nổ và phế liệu. Chỉ hơn 18% tai nạn bom mìn là do vô tình vấp phải hay cuốc phải… |
Để nâng cao nhận thức về mối nguy hại từ bom mìn, trưng bày đợt này có khoảng 60 bức ảnh cỡ lớn, 40 hiện vật là các chủng loại bom mìn thời kỳ chiến tranh, các loại trang thiết bị về rà phá bom mìn của lực lượng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam. |
Ngoài ra, Ban tổ chức còn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường tổ chức tuyên truyền về tác hại, cách nhận biết và phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ; giao lưu, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, chiếu phim phóng sự về thực trạng ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam ... |
Đạn cối tại triển lãm. |
Các loại mìn sát thương. |
Ngoài được xem các hiện vật, các em học sinh còn được phát các tờ rơi, tài liệu về nạn bom mìn ở Việt Nam./. |