Mỗi năm, TP HCM đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác chống ngập nước. Chống ngập cũng là 1 trong 7 chương trình đột phá được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, giải pháp công nghệ được đặt lên hàng đầu trong công tác này. Vậy TP HCM nên áp dụng công nghệ nào để chống ngập hiệu quả trong tình hình hiện nay?

TP HCM đang bước vào cuối mùa mưa. Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2015, thành phố sẽ hứng một đợt triều cường trên báo động số 3. Sau những trận mưa to kéo dài và những đợt triều cường vừa qua, toàn thành phố vẫn còn 50-60 điểm ngập.

ung_ngap_zueb.jpg
Cống ngăn triều, một giải pháp chống ngập cho TPHCM

Cũng sau những trận mưa và những đợt triều cường đó, hơn 10 điểm ngập thường xuyên từ những năm trước ở Quận 8 nay đã không còn. Đó là hiệu quả của hệ thống cống kiểm soát triều tại phường 7 và phường 16 của quận này khi được đưa vào sử dụng từ tháng 4 vừa qua. Hai dự án nói trên góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt cho khoảng 25.000 hộ dân và hơn 10 điểm trũng, thấp tại khu vực này.

Ngoài những hạng mục chính là tường chắn ngăn triều, cống ngăn triều, các công trình này còn mở rộng, nâng cao và trải nhựa các đường hẻm, tạo thuận lợi cho giao thông và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại Quận 8.

Ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND Quận 8, TP HCM cho biết: Cơ chế hoạt động của cống ngăn triều này là khi mực nước thủy triều chỉ lên đến 0,6m thôi là tự động đóng, ngăn nước lại. Khi nước từ kênh Tàu Hũ và kênh Chợ Đệm vào thì kè ngăn triều có tác dụng ngăn không cho nước thủy triều tràn vào khu dân cư. Nếu nước mưa từ trong ra thì nó có van một chiều, nước chỉ có ở trong ra được chứ ở ngoài không tràn vào được.

Một giải pháp phù hợp với đặc điểm, địa hình của TP HCM hiện nay là sử dụng công nghệ đóng cừ nhựa UPVC để ngăn chặn sạt lở, triều cường, vỡ bờ bao, ngập úng. Công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất cừ bản nhựa UPVC hiện đại sản xuất từ châu Âu – dây chuyền đùn vít đôi song song Argos của Cộng Hòa Áo đã được Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn áp dụng.

Một đoạn đê kè bằng cừ nhựa UPVC tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM

Cừ nhựa UPVC có thể thi công dễ dàng trong mọi điều kiện thời tiết, trong nhiều địa hình với thiết bị thi công đơn giản. Vật liệu UPVC bền vững với môi trường, chịu được phèn mặn, hóa chất, nước biển, nước ô nhiễm, ngăn chặn hiệu quả dòng nước thấm qua bờ làm phá hỏng công trình. Với loại vật liệu này, hàng năm thành phố không phải tốn chi phí duy tu, gia cố như các công trình sử dụng vật liệu truyền thống.

Ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết: Theo thiết kế hiện nay, đỉnh của các dầm mũ các bờ kè cọc nhựa UPVC ở cao độ 2,2m. Đỉnh triều cường trên sông Sài Gòn cao nhất hiện nay là 1,68m thì không ảnh hưởng đến độ an toàn của công trình. Về độ ổn định, bền vững của những công trình này chúng tôi tin tưởng là không có gì trở ngại.

Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho rằng, việc thành phố quy hoạch các hồ điều tiết để giảm ngập nước là cần thiết, nhưng cần sát với thực tế hơn. Trong điều kiện quỹ đất của thành phố có hạn, chúng ta cần tìm hiểu kỹ nơi nào có thể xây dựng hồ điều tiết. Công tác này cần được sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương.

Để giảm ngập ở đô thị thì vấn đề làm sao để lượng mưa thấm đi được. Hiện nay, tất cả vỉa hè của thành phố đều được bê tông hóa. Đường bê tông hóa đã đành, nhưng vỉa hè bê tông hóa hết là chưa khoa học. Thành phố nên thay thế các loại bê tông, các loại gạch con sâu bằng các loại gạch có thể thấm được nước mưa. Điều này không khó đối với TP HCM.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, công tác chống ngập cho thành phố cần ứng dụng một số giải pháp công nghệ của các nước tiên tiến. Có thể kể ra một số công nghệ mới như: Làm cống đập kiểu sà lan, làm cống ngăn triều theo công nghệ đập trụ đỡ hay áp dụng công nghệ mới không cần dẫn dòng thi công, không cần giải phóng mặt bằng.

Ở một số khu vực đô thị mới, TP HCM có thể áp dụng công nghệ SPR của Nhật Bản, cải tạo hệ thống thoát nước dưới lòng đất không cần đào đường: “Hiện nay, mình đang ở giai đoạn mới làm một loạt các hạng mục ở khu vực trung tâm. Chúng ta cần bàn đến câu chuyện phát triển ở những khu vực ngoại thành. Tôi nghĩ rằng, từ năm 2020 đến 2030 nếu chúng ta phát triển khoảng 400km2 ở vùng ngoại thành thì lúc đó, tôi hy vọng là chúng ta đã có đủ kiến thức và kinh nghiệm để phát triển những khu vực này bền vững mà không bị ngập”.

Việc chống ngập của thành phố thực chất là giải quyết 2 vấn đề: Ngăn nước từ ngoài vào và thoát nước từ trong ra. Nói cách khác là chống ngập do mưa và chống ngập do triều cường. Việc chống ngập từ ngoài vào không quá khó nhưng đòi hỏi số vốn đầu tư lớn. Riêng việc chống ngập do yếu tố nội tại của thành phố đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Trước hết, thành phố cần rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước để có sự quy hoạch và thực hiện theo một định hướng thống nhất. Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo ngập lụt của thành phố cần được tổ chức thực hiện tốt hơn để cả chính quyền và người dân thành phố chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó theo hoàn cảnh thực tế của mình./.