Cơn mưa lớn chiều 15/9 gây ngập 66 điểm khắp thành phố. Ảnh: Hải Hiếu/Vnexpress |
Theo thống kê của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, cơn mưa lớn nhất năm vào chiều 15/9 đã gây ngập 66 điểm khắp địa bàn, nơi sâu nhất là 0,5 m. Mưa lớn gây ngập trên diện rộng đúng giờ tan tầm đã khiến giao thông Sài Gòn rối loạn. Hàng nghìn xe máy, ôtô xếp hàng dài chôn chân, nhà dân bị ngập sâu trong nước...
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập "cả thành phố", ông Đỗ Tấn Long - cho biết, do hệ thống cống ở nội đô được thiết kế để thoát nước với lượng mưa 86 mm kéo dài trong 3 giờ. Tuy nhiên, cơn mưa chiều tối qua có vũ lượng lên đến 142 mm, lại kéo dài nhiều giờ liền nên cống không thể thoát kịp.
"Bên cạnh đó, triều cường ở các sông vào thời điểm đó cũng ở mức cao, như trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,4 m, dẫn đến việc thoát nước càng chậm hơn", ông Long nói.
Trước ý kiến các dự án chống ngập "chỉ thiết kế cống với công suất thấp là không có tầm nhìn xa nên không hiệu quả khi có mưa lớn", đại diện Trung tâm chống ngập cho rằng, hệ thống cống cũ được xây dựng từ trước 2005 - khi chưa có khái niệm biến đổi khí hậu. Vì vậy, cống được thiết kế dựa vào số liệu về lượng mưa và mức triều cường thời điểm đó.
Theo ông Đỗ Tấn Long, đến năm 2020, nếu mưa với vũ lượng như hôm 15/9, khu vực trung tâm TP.HCM sẽ hết ngập nếu TP thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016-2020, đồng thời lượng mưa không vượt tần suất dự báo.
Theo quy hoạch tổng thể thoát nước của TP.HCM đến năm 2020, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước cống cấp 1 chịu được lượng mưa lớn nhất 85,36 mm trong vòng 3 giờ; cống nhỏ hơn chịu được lượng mưa 75,88 mm tương ứng với đỉnh triều là +0,32.
Trong báo cáo tóm tắt giải quyết ngập khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu của UBND TP công bố ngày 7.7.2015, hiện thành phố đang thực hiện song song 2 quy hoạch chống ngập nước là: 752 và 1547.
Quy hoạch 752 tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước cho khu vực trung tâm: vùng Bắc, Đông Bắc, đông nam và tây thành phố. Quy hoạch này cần 87.418 tỉ đồng. Trong đó đã có nguồn vốn là: 32.608 tỉ đồng, chưa có nguồn cần huy động là: 54.810 ngàn tỉ.
Đối với quy hoạch 1547 tổng kinh phí là 12.823 tỉ đồng, trong đó đã nguồn là 813 tỉ đồng, cần huy động là 12.010 tỉ đồng.
Như vậy, TP.HCM đang cần thêm 66.820 tỉ đồng để thực hiện việc chống ngập đến năm 2020. Nếu được thực hiện sẽ giải quyết được ngập cho khu vực rộng 550 km2 và giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu người dân thành phố.
Ông Long cho biết, kịch bản ứng phó với ngập tại TP.HCM cũng đã có kế hoạch từ trước. "Trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tập trung nguồn lực cho vực trung tâm thành phố. Năm 2016 - 2020 sẽ tiếp tục giải quyết bền vững cho khu vực trung tâm và triển khai ở các vùng lân cận", ông Long nói.
Vừa qua, theo ông Long thành phố đã hoàn thành 3 dự án ODA đã phát huy tác dụng. Theo đó, phương thức ngập của những dự án này nhìn chung rất hạn chế ngập, thường chỉ ngập trong mưa, sau khi hết mưa sẽ hết ngập.
Theo ông Long hiệu quả chống ngập tại trung tâm thành phố cơ bản đã được khắc phục ở các quận trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tình trạng ngập ở các quận ngoại thành vẫn còn tiếp diễn và có khả năng tăng cao do tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh./.