Sáng 15/8, Đài TNVN (VOV) tổ chức cuộc sinh hoạt nghiệp vụ, chuyên đề “Những biểu hiện mới trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá”.

Tại đây, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình Văn học- Nghệ thuật Trung ương đã trao đổi với các nhà báo của VOV về nhiệm vụ tác nghiệp trong giai đoạn hiện nay, nhằm nâng cao tính chiến đấu của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.

hong-vinh.jpg

Bằng nhiều câu chuyện cụ thể diễn ra gần đây, TS Nguyễn Hồng Vinh nói về những chiêu bài mới mà các thế lực thù địch đang sử dụng để chống phá nhà nước Việt Nam, làm mất ổn định tình hình kinh tế- xã hội ở trong nước. Những kẻ phản động chống phá nhà nước Việt Nam dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhân danh lòng yêu nước và ý thức bảo vệ Tổ quốc để kêu gọi, lôi kéo mọi người, nhất là thanh niên, vào những hoạt động kích động.

Dưới tác động của “diễn biến hòa bình”, một số văn nghệ sĩ đã viết tác phẩm phủ nhận hoàn toàn thành tựu văn học nghệ thuật Cách mạng, phủ nhận những tên tuổi các nhà văn, nhà thơ lớn của nhân dân.

Lợi dụng sự phát triển và phổ biến của hạ tầng Internet, các trang thông tin điện tử, blog phát triển tràn lan, khiến cho thông tin dễ dàng được lan truyền nhanh; chúng đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật, bôi nhọ; nhằm làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng, trong hoàn cảnh đó, cần làm sao để giúp cán bộ, Đảng viên và nhất là những người làm công tác tư tưởng nâng cao nhận thức, để hiểu sâu sắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Các nhà báo cần không ngừng học hỏi, tìm hiểu để nâng cao trình độ chính trị, nâng cao nhận thức. Đặc biệt, cần quán triệt những điểm mấu chốt trong Nghị quyết 23 –NQ/TW của Bộ chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Kết luận 213 của Ban Bí thư về Đề án“Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật” và Chỉ thị 46 –CT/TW về “Chống xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” để tuyên truyền đến quần chúng nhân dân. Có như vậy, nhà báo mới có thể có những tác phẩm thuyết phục, bao gồm những lập luận thấu tình, đạt lý; để công tác đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa đạt hiểu quả thực sự.

Xã hội còn nhiều bức xúc, biểu hiện tiêu cực, nhưng vẫn còn nhiều điểm sáng, những tấm gương tốt. Các nhà báo cần phản ánh khách quan, “lấy cái tốt đè  bẹp cái xấu, lấy ánh sáng xua tan bóng tối”, mang lại niềm tin cho nhân dân, góp phần làm ổn định xã hội để xây dựng đất nước./.