Mỗi trạm y tế lưu động phải chăm sóc từ 50 - 100

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, khi tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, TP đã lập gần 550 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của lực lượng quân y; phối hợp với 312 trạm y tế phường, xã đã giúp chăm sóc F0 qua điện thoại, cũng như cấp phát túi thuốc A, B, C giúp người dân an tâm trong công tác điều trị.

Hiện nay, tuy số F0 có giảm nhưng việc duy trì các trạm y tế lưu động là hết sức quan trọng. Tuần qua, Sở đã huy động mở thêm 40 trạm y tế lưu động tại huyện Hóc Môn. Còn tại huyện Nhà Bè đang cách ly 772 F0 nhưng chỉ có 7 trạm y tế lưu động nên Sở cũng đã đề nghị thành lập thêm ít nhất 15 trạm y tế lưu động nữa để chăm sóc F0 tại nhà.

“Mặc dù số F0 có giảm nhưng việc duy trì các trạm y tế lưu động là hết sức cần thiết. Đối với những địa phương nào có số F0 còn cao thì vẫn duy trì các trạm y tế lưu động, làm sao để mỗi trạm chăm sóc được từ 50 – 100 F0”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, để kiểm soát số ca nhiễm có xu hướng tăng trở lại, ngành y tế sẽ tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ đối với khu vực chợ, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội; các hộ gia đình trong khu vực cần điều tra dịch tễ và các cơ sở sản xuất kinh doanh, xét nghiệm định kỳ ngẫu nhiên người lao động với tầng suất, tỷ lệ phù hợp với từng cấp độ dịch.

Hoạt động kinh doanh ảm đạm không hẳn là do phải đóng cửa sớm trước 21h

Trả lời câu hỏi có phải do quy định dịch vụ kinh doanh ăn uống phải đóng cửa trước 21h khiến cho tình hình kinh doanh ảm đạm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, tình hình hoạt động ăn uống không sôi động thời gian qua không hẳn do yếu tố liên quan đến thời gian kinh doanh ngắn, đóng cửa trước 21h. Bởi dịch vụ ăn uống liên quan đến nhu cầu và tâm lý của khách hàng. Do đó nếu khách còn e ngại, chưa muốn ra đường, chưa muốn tham gia thì rất khó sôi động.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, dịch vụ ăn uống không phải do Sở Công thương phụ trách trực tiếp nhưng có đóng góp rất lớn vào doanh thu bán lẻ nên Sở rất quan tâm và sẽ tham mưu các giải pháp phù hợp.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Công Thương cùng với Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Sở Y tế có rà soát, đánh giá các yếu tố liên quan đến dịch bệnh và khả năng để tham mưu cho UBND TP.HCM các giải pháp phù hợp trong thời gian tới để hỗ trợ hoạt động này”, ông Phương cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương, thành phố sẽ có rà soát, đánh giá sơ bộ việc thí điểm bán rượu bia tại Quận 7 và TP Thủ Đức để rút kinh nghiệm và có thể triển khai, nhân rộng trong thời gian tới./.