Theo quy hoạch, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có chiều dài 69km, điểm đầu tại Ngã tư Bình Phước (TP.HCM), điểm cuối tại Chơn Thành (Bình Phước), quy mô từ 6-8 làn xe, tiến trình đầu tư định hướng là đến năm 2030, kinh phí khoảng 24.150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất đề xuất phương án thay đổi hướng tuyến có chiều dài khoảng 70km, kinh phí tăng lên khoảng 36.000 tỷ đồng. Lý do là nhằm thực hiện theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của 3 tỉnh, thành trong thời gian tới; đảm bảo tính kết nối, đồng bộ mạng lưới giao thông hiện tại, phù hợp với tính chất giao thông đối ngoại của tuyến đường cũng như chức năng của các tuyến đường vành đai; đồng thời, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050.
Cụ thể, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ bắt đầu từ nút giao Gò Dưa (Vành đai 2 – TP.HCM) đi trên cao đến ranh tỉnh Bình Dương, dài 1,5km, kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng. Đoạn đi qua Bình Dương dài 57km, dự kiến đi trên cao 28km, đi dưới đất 29km, xây dựng khoảng 10 cầu vượt, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Đoạn đi qua tỉnh Bình Phước dài 11,5km, kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành uỷ TP.HCM thống nhất nhất chủ trương và xúc tiến làm ngay dự án cao tốc, vướng đến đâu gỡ đến đó bởi đây là tuyến đường quan trọng nằm trong quy hoạch kết nối Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ và phía Đông, phía Tây của TP; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông - vận tải của TP.HCM theo các quyết định mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Lãnh đạo 2 địa phương cũng thống nhất thành lập Ban chỉ đạo dự án do tỉnh Bình Phước chủ trì. Thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nỗ lực sớm khởi công dự án./.