Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có chiều dài 69km, với điểm đầu tại ngã tư Bình Phước thuộc TPHCM, điểm cuối tại Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước, quy mô từ 6-9 làn xe. Dự kiến, tuyến đường này sẽ hoàn thành vào năm 2030, với kinh phí khoảng 24.000 tỷ đồng.
Về phần Bình Dương, tuyến cao tốc dài khoảng 57km, trong đó, 28km phải xây trên cao và 10 cầu vượt do đi qua các khu dân cư, tuyến giao thông hiện hữu. Đoạn qua tỉnh Bình Phước, các bên đề xuất xây dựng 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành dự kiến sẽ triển khai xây dựng trong thời gian tới.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành không chỉ kết nối 3 địa phương mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên. Do đó, Sở Giao thông vận tải hai tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thống nhất hướng tuyến, chiều dài toàn tuyến, quy mô, tổng mức đầu tư để báo cáo xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Dương cơ bản thống nhất với phương án đề xuất đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đồng thời đề nghị các đơn vị tư vấn nghiên cứu để tham mưu hai tỉnh phương án đấu nối các tuyến đường, các nút giao… để bảo đảm tính khả thi, tránh bị động khi triển khai thực hiện./.