Ngày 19/5 vừa qua, dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam được cấp giấy phép xây dựng trên diện tích gần 3,8ha tại thôn Hòa An, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Công suất thiết kế giai đoạn đầu khoảng 300 tấn/ngày đêm. Nhà máy xử lý chất thải rắn này khi đi vào hoạt động sẽ trực tiếp thay thế cho bãi rác Đại Hiệp, tại huyện Đại Lộc, phục vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các huyện, thị xã, thành phố phía Bắc tỉnh Quảng Nam.
Ông Lê Công Hùng, đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết, Dự án vừa khởi động vào cuối tháng 5, dự kiến trong vòng 5 tháng có thể hoàn thành đi vào hoạt động.
“Chúng tôi cam kết với chính quyền, trong thời gian rất ngắn, sẽ đẩy nhanh tiến độ sớm hơn nữa, nếu thời tiết thuận lợi. Chúng tôi cam kết tất cả những vấn đề về môi trường phải đạt tiêu chuẩn”- ông Hùng nói.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, chọn vị trí các khu xử lý rác thải mới. Năm 2019, địa phương này rơi vào tình trạng "khủng hoảng rác thải” khi rác ùn ứ đến mức báo động, gây ô nhiễm môi trường. Ở khu vực Bắc Quảng Nam, khu xử lý rác thải Đại Hiệp nhiều năm quá tải, lẽ ra đã đóng cửa từ năm 2017 nhưng vẫn phải “gồng mình” xử lý hơn 1/4 lượng rác thải của toàn tỉnh Quảng Nam do việc triển khai dự án khu xử lý rác thải mới dậm chân tại chỗ nhiều năm liền. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, người dân rất mong chờ dự án sớm triển khai đi vào hoạt động để giải quyết chuyện xử lý rác thải tại địa phương này.
“Dự án này hết sức quan trọng, bởi đến ngày 30/6 này thì bãi rác tại xã Đại Hiệp phải đóng cửa, địa phương đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công khẩn trương tập trung thi công, hoàn thành sớm nhà máy để thay thế bãi rác sắp đóng cửa"- ông Hùng nói.
Theo Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, tỉnh ưu tiên đầu tư công nghệ tiên tiến, ít sử dụng quỹ đất xây dựng nhà máy và có khả năng tăng công suất khi cần thiết.
“Nhà máy xử lý rác thải này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình xử lý rác tại Quảng Nam. Việc chọn vị trí nhà máy xử lý rác là thực hiện theo Quy hoạch số 1662 của UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề quy hoạch xử lý rác thải và nó sẽ giải quyết bài toán rác thải cho Đại Lộc, Điện Bàn và Duy Xuyên. Giải quyết bài toán sắp đến là đóng cửa bãi rác Đại Hiệp"- bà Hạnh nói./.