Đồng thời, ý thức của người dân về việc tự giác phân loại rác thải độc hại để thu gom tập trung cũng được nâng lên. Qua đó, góp phần tốt hơn vào việc bảo vệ môi trường tại khu vực.
Vừa gom đống chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã dùng hết để bỏ vào bao ni lông rồi buộc gọn lại, ông Huỳnh Xanh, ở thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đây là rác thải độc hại nên phải để riêng, mang ra khu vực thu gom tập trung để đưa đi tiêu hủy. Gần 3 năm qua, kể từ khi có bể thu gom chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đặt ngay bờ ruông, bờ rẫy, lại được đoàn viên thanh niên trong xã tích cực tuyên truyền, ông Xanh và nhiều người dân khác quanh khu vực này đã dần thay đổi thói quen. Sau mỗi lần sử dụng, các loại vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đều được gom riêng và tập trung bỏ vào bể chứa rác."Rác thải loại này bỏ vào trong này thì vệ sinh hơn, dễ bảo quản hơn, hạn chế được ô nhiễm. Quan trọng là nếu như mọi người đều có ý thức thì ai cũng bỏ vô đó, như vậy rác thải này không có vứt bừa bãi nữa", ông Xanh nói.
Anh Nguyễn Văn Hải, ở thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar cho rằng, những bể thu gom rác được đặt ở các đường chính ra đồng, rẫy nên rất thuận tiện cho người dân trong khu vực. Người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, trồng các loại hoa màu và cây công nghiệp lâu năm nên lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hàng năm khá nhiều. Gia đình anh cũng sử dụng nhiều sản phẩm như thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng, thuốc kích thích ra hoa đậu trái cho cây trồng vào những thời điểm khác nhau trong năm. Trước đây, hầu như các loại vỏ bao bì sau khi sử dụng sẽ gom chung với rác thải sinh hoạt hoặc bỏ lại đầu bờ ruộng, rẫy. Nhưng từ khi có bể chứa rác thì tình trạng này đã giảm hẳn.
Anh Hải cho biết: "Ở đây những bể thu gom này tiện cho người ta thu gom tập trung, chứ còn không có thì người ta vứt tùm lum hết".
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh- Phó Bí thư Đoàn xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar cho biết, toàn xã hiện có 9 bể thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đặt tại tất cả các thôn. Từ năm 2017 đến nay, các bể này đã được người dân sử dụng thường xuyên. Hàng năm, Đoàn thanh niên xã triển khai ra quân từ 2-3 đợt thu gom rác tại các bể chứa để đưa đi xử lý, tiêu hủy. Với sự tuyên truyền của các đoàn viên thanh niên, số lượng rác thải nông nghiệp thu gom được hàng năm ngày càng nhiều hơn, trung bình từ 300kg đến 400kg rác mỗi năm, đã góp phần tích cực vào việc hạn chế rác thải độc hại bị vứt bừa bãi ra môi trường.
"Lúc đầu có rất nhiều khó khăn, thí dụ như là người dân bỏ rất nhiều rác tạp nham vô. Đoàn thanh niên phải dọn dẹp và phân loại lại. Vì vậy, chúng tôi phải tuyên truyền, vận động nhân dân liên tục, bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thì chỉ bỏ những lọ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng thôi. Dần dần thì cũng hình thành một cái nếp, thói quen đối với người dân, việc thu gom cũng đỡ hơn rất nhiều. Người dân cũng chịu khó bọc kĩ lại các loại vỏ rác, bỏ đồ cũng không còn tạp nham nữa thì cũng thuận lợi cho việc cho chúng tôi thu gom rác".
Theo anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư Mgar, đến nay huyện Cư Mgar có 80 bể thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật được xây dựng ở nhiều khu vực khác nhau. Các bể này đã phát huy hiệu quả trong việc giúp cho môi trường nông thôn được bảo vệ tốt hơn, các loại rác thải độc hại được thu gom và xử lý đúng cách. Cùng với đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng lên rõ rệt, họ đã tự chủ động phân loại rác, không bỏ chung rác thải nông nghiệp với các loại rác thải khác, qua đó hỗ trợ tích cực hơn cho việc thu gom.
"Hiện nay 100% địa bàn xã, thị trấn của huyện Cư M’gar đã có bể thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên thì sắp tới thì Huyện đoàn sẽ kêu gọi, phối hợp với các ban, ngành để tiếp tục xây dựng các cái bể thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời sẽ xây dựng thêm hố thu gom rác thải tự hủy. Hiện nay một số xã đã triển khai rất tốt vấn đề này"- Bí thư Huyện Đoàn Cư Mgar cho biết.
Huyện Cư Mgar hiện có khoảng 70.000 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, trồng nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn quả có giá trị kinh tế. Do đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hàng năm là rất lớn. Với các mô hình thu gom rác thải nông nghiệp đang được triển khai, đã giúp nông dân thay đổi dần thói quen vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại bờ ruộng, góc vườn sau khi sử dụng, từ đó góp phần bảo vệ môi trường khu vực dân cư sạch đẹp hơn./.