Luật phòng chống bạo lực gia đình là một trong những Bộ luật đang được Quốc hội đưa ra thảo luận để sửa đổi bổ sung.
Trao đổi bên lề Quốc hội về vấn đề bạo lực gia đình và sửa đổi luật liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) xót xa khi nhắc đến những vụ bạo lực gia đình vô cùng nghiêm trọng với những hành vi dã man xảy ra thời gian qua như vụ cháu bé bị cha dượng đóng 9 chiếc đinh vào đầu, đánh đập tàn bạo nhiều lần, hay trường hợp cháu bé 8 tuổi tại TP.HCM tử vong do bị mẹ kế hành hạ. Đại biểu cho rằng, khi xã hội càng phát triển cũng là lúc những hành vi bạo lực gia đình càng có dấu hiệu trầm trọng hơn. Do đó, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không phải cấp thiết mà là vô cùng cấp bách.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho biết, trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình lần này có bổ sung 3 nhóm đối tượng điều chỉnh gồm người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, những người đã ly hôn, người có quan hệ sống với nhau như vợ chồng. Đây là những đối tượng mới được mở rộng nhằm tăng khả năng bao phủ của luật. Song bên cạnh nhóm đối tượng này, đại biểu Tú Anh kiến nghị cần bổ sung thêm nhóm những người không có quốc tịch để có thể bảo vệ tốt hơn.
Nói thêm về tính cần thiết của việc bổ sung các đối tượng trên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, trước đây những quan hệ như cha dượng, con riêng hay mẹ kế con chồng không được quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng họ lại là những người sống trong cùng một gia đình. Do đó, nếu người có hành vi bạo lực vẫn có thể bạo lực với những người yếu thế hơn. Việc thêm các đối tượng trên sẽ giúp luật bao quát được nhiều trường hợp hơn.
Nói về những bất cập trong vấn đề phòng chống bạo lực gia đình thời gian qua, đại biểu tỉnh Lâm Đồng cho rằng, có một nguyên nhân không nhỏ đến từ chính tư tưởng “đèn nhà ai nhà nấy rạng” đã ăn sâu trong suy nghĩ nhiều người, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Sau những ngày làm việc mệt mỏi, mọi người có xu hướng sống khép kín trong gia đình để tận hưởng cuộc sống riêng, không quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh.
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, để giải quyết bất cập trên, cần có những quy định về trách nhiệm báo tin và cơ quan nhận tin báo khi có bạo lực gia đình. Trong Luật đã quy định rõ là Chủ tịch UBND cấp xã, phường hay công an xã, phường… Đặc biệt cần có chế tài bảo vệ bí mật cho người báo tin, tố giác các vụ bạo hành gia đình, thậm chí cần có các chính sách khuyến khích, khen thưởng cho những người phát giác, báo tin về bạo lực gia đình.
Dẫn chứng vụ bé gái ở TP.HCM bị mẹ kế bạo hành đến tử vong, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng, một số người vẫn có quan điểm vợ chồng, cha con bạo lực là việc riêng nên mới có việc các hộ dân xung quanh nghe bé khóc nhiều lần nhưng không quan tâm.
Nếu có sự quan tâm, nhận ra được nguy cơ thì có thể đã không xảy ra sự việc đau lòng như trên.
Đại biểu Tuyết đề nghị cần quy định cụ thể về vai trò của cộng đồng để ngăn chặn bạo lực gia đình.
Còn theo đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang), mô hình xã hội Việt Nam cũng như mối quan hệ trong từng gia đình đã có sự thay đổi rất lớn, xuất hiện nhiều hành vi bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng, khó xử lý. Có những vụ việc rất nghiêm trọng, thời gian xử lý lâu, mức phạt chưa bảo đảm đính răn đe. Có nhiều vụ bạo hành nghiêm trọng nhưng chỉ hòa giải, không bảo vệ được bản thân người bị bạo hành.
Trích dẫn báo cáo của Chính phủ có đề cập số liệu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ, đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, cứ 30 phụ nữ thì có một người bị bạo lực thể xác, tình dục. Trong số đó 90% là không dám, không muốn nhờ pháp luật xử lý. Số liệu như vậy rất đáng báo động, cần nghiên cứu để có chế tài xử lý nghiêm minh hơn.
Từ những con số đau lòng trên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã về việc xử lý các vụ việc bạo lực gia đình. Cần xem xét bổ sung thêm hành vi bạo lực gia đình như hành vi bạo lực tinh thần. Đồng thời cần bổ sung thêm biện pháp lao động công ích đối với người có hành vi bạo lực gia đình.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) lại cho rằng cần có quy định quản lý hình ảnh bạo lực trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
“Bạo lực trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội tràn lan, xem phim cứ ít phút là hình ảnh chồng đánh vợ, đánh ghen…Việc này phải có quy định quản lý, không nên để việc cổ súy, hình ảnh, mô tả về bạo lực gia đình là bình thường”, bà Lan nhấn mạnh./.