Chiều nay (31/5), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp Quốc hội thứ 3, Quốc hội khóa 15, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về vấn đề sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Thảo luận về vấn đề sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn Quảng Ninh cho rằng, trong quá trình áp dụng, đến nay Luật bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, thời gian qua, tình trạng bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp. Trong nhiều vụ việc, bạo lực gia đình còn rơi vào các đối tượng không nằm trong giới hạn của Luật Hôn nhân và Gia đình.

“Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ quy định với những người có cùng huyết thống và có quan hệ hôn nhân, nhưng trên thực tế, thời gian qua nhiều vụ bạo lực xảy ra với những người đã ly hôn và bị chồng cũ bạo hành. Bạo lực xảy ra cả với con nuôi, con nhận, những trường hợp đã không còn là con nuôi, con nhận… Như vậy việc quy định các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như cũ có còn phù hợp hay không?”, đại biểu băn khoăn.

Từ những thực tế trên, đại biểu đoàn Quảng Ninh kiến nghị cần mở rộng đối tượng quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, người đã từng có quan hệ hôn nhân nay đã ly hôn, người có mối quan hệ với gia đình. Kèm theo đó, cũng cần xem lại khái niệm, quy định về thành viên trong gia đình tại Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện nay, tránh tình trạng không đồng nhất với các luật khác như Luật Hôn nhân và Gia đình.

Nói về việc xác định các hành vi bạo lực gia đình, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, bạo lực gia đình không chỉ là các hành vi đánh đập, gây tổn thương trực tiếp về mặt thể xác, tinh thần mà còn có những hành vi gián tiếp. Theo đó, đối tượng không trực tiếp thực hiện bạo lực nhưng lại là “nguồn cơn”, nguyên nhân khiến các thành viên khác trong gia đình bạo lực. Đại biểu ví dụ: "Như 2 chị em dâu, chị dâu em chồng, dù không trực tiếp có hành vi bạo lực với nhau, nhưng lại xúi giục anh, em trai hay chồng hoặc thành viên khác trong gia đình bạo lực âm thầm cả về thể chất và tinh thần  với một người thứ 3 thì đều rất nguy hiểm, cần đưa vào luật để tăng tính răn đe".

Như vậy, đại biểu Lan cho rằng trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần bổ sung thêm hành vi lôi kéo, xúi giục, góp sức để các thành viên khác trong gia đình thực hiện hành vi bạo lực.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng lại bức xúc và lo ngại trước các vụ xâm hại tình dục, bạo hành dã man giữa cha dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng diễn ra trong thời gian qua. Đại biểu cho rằng, Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình cần mở rộng đối tượng điều chỉnh là những người có quan hệ hôn nhân gia đình, hay cha dượng, mẹ kế, con riêng hay quan hệ được tiếp tục ràng buộc bởi việc trợ cấp, chăm lo sau ly hôn…

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TPHCM) đề xuất, tại dự thảo cần bổ sung thêm hành vi bạo lực gia đình. Đó là việc sử dụng các hình thức trừng phạt, ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của trẻ em. Đại biểu Lệ cũng nêu ý kiến, trong Dự luật quy định về lệnh cấm tiếp xúc. Cụ thể, người bị bạo lực phải giữ khoảng cách với nạn nhân từ 50 mét trở lên, nhằm đảm bảo an toàn cho người bị bạo hành. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm quyền cho người bị bạo lực gia đình. Họ phải được lựa chọn chỗ ở ở chính ngôi nhà của mình khi có lệnh cấm tiếp xúc.

“Trước nay, hầu hết người ra khỏi nhà đều là người bị bạo hành trong khi họ có nhu cầu, mong muốn được cư trú ngay tại gia đình của mình”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho biết, đồng thời lưu ý, trong dự thảo có quy định phải bố trí nơi tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình: “Người có hành vi xâm hại, bạo lực tại sao không phải là người đi khỏi nhà, tại sao lại phải cách ly người yếu thế. Đề nghị có nơi cách ly cần thiết cho đối tượng có nguy cơ bạo lực gia đình”, đại biểu nêu ý kiến.

Phát biểu tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) cho biết, trong gia đình có nhiều yếu tố chi phối, quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình đang giao thoa giữa nhiều Bộ ngành. Theo Bộ trưởng, khi tiếp cận và nhận nhiệm vụ xây dựng bộ luật này có nhiều vấn đề rất khó, bởi bộ luật này rộng, ai cũng nói được nhưng thể hiện, thể chế thành công cụ pháp luật thì không hề đơn giản. Bạo lực thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản và khu trú ra bằng các biểu hiện bên ngoài như thế nào để lượng hóa cho đầy đủ là không hề đơn giản, dù đã có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn ra 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong thực tiễn còn những hành vi nào có thể khu trú thành những biểu hiện cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn các đại biểu Quốc hội góp ý, nhất là vấn đề bạo lực tinh thần.

“Chúng ta cần góp ý hướng vào đối tượng yếu thế như trẻ em, người già, đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến yếu tố trách nhiệm của cộng đồng, con người. Nếu cứ “đèn nhà ai nấy rạng” thì không thể phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó cần thiết kế thế nào để phát huy được vai trò xã hội hóa trong việc phòng, chống bạo lực gia đình”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, nếu như Luật ra đời mà không phát huy được sức mạnh, không có sự phân công thì khó hiệu quả, lúng túng không biết thực hiện như thế nào. Vì vậy, bộ Luật lần này có thiết kế rõ trách nhiệm của từng ngành, lượng hóa cụ thể các Bộ ngành cần phải làm gì. “Xuyên suốt tinh thần của bộ luật này là phòng là chính, phòng để chống. Ngược lại, có những trường hợp thì phải lấy chống để phòng, nghĩa là xử lý để việc phòng tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.