Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM tăng nhanh như hiện nay, vừa qua, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, hiện nay việc cách ly F1 trên địa bàn thành phố đang tăng cao, gây áp lực lên cho các cơ sở cách ly, đặc biệt là cho nhân viên y tế. 

Theo các chuyên gia trước mắt, Việt Nam vẫn cần tổ chức thí điểm việc cách ly F1 tại nhà trên một số khu vực nhỏ để đảm bảo hiệu quả và mức độ an toàn trước khi đưa ra quy định cụ thể trên cả nước.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cộng đồng vô cùng rộng, vì vậy nếu cách ly F1 tại nhà, nguyên tắc phải bảo đảm tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Trước đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc cách ly y tế tại nhà. Người dân phải đảm bảo tuân thủ việc tiếp xúc, đeo khẩu trang, khử khuẩn...

Cũng theo ông Nga, ngành y tế và chính quyền địa phương phải có hướng dẫn, tuyên truyền tới các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà và với người nhà của đối tượng này, để đảm bảo việc cách ly được thực hiện an toàn, tránh lây nhiễm ra cộng đồng. 

“Quan trọng nhất là ý thức của người dân và hiểu biết về nguy cơ lây lan của bệnh. Chúng ta phải tăng cường truyền thông, hướng dẫn, người dân phải tự giác khai báo nếu có triệu chứng nhiễm bệnh. những người có triệu chứng cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế, hỗ trợ y tế để đi khám và phát hiện kịp thời” - ông Nga cho biết. 

Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong bối cảnh các khu cách ly tập trung quá tải, giải pháp cách ly F1 tại nhà là phù hợp. 

Theo vị chuyên gia này, nếu công tác phòng, chống dịch bệnh trong khu cách ly tập trung không tốt khi số lượng tăng nhanh, chúng ta khó có thể đảm bảo an toàn cho người dân. Nguy cơ lây nhiễm chéo lúc này là rất cao.

Tuy nhiên, ông Nhung cho rằng khi thực hiện giải pháp này, Việt Nam phải đảm bảo đủ các điều kiện, như: Người được cách ly phải có kiến thức về dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo thái độ và thực hành phòng tránh lây nhiễm tốt. 

Bên cạnh đó, khu vực nhà ở để cách ly cũng phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng riêng, bởi hiện nay, nhiều gia đình ở Việt Nam cũng có thể đáp ứng những yêu cầu này.

Ngoài ra, cần phải có những phương tiện để đảm bảo kiểm tra, giám sát người cách ly luôn tuân thủ đúng hướng dẫn, như có thể lắp camera giám sát, đeo vòng, hoặc bằng biện pháp giám sát y tế, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhiều hơn. 

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, Việt Nam có khá nhiều trang thiết bị giám sát, camera hiện đại. Nhờ đó, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra được người dân có thực hiện đúng hay không. Ngoài ra, những người xung quanh, hàng xóm, tổ covid cộng đồng cũng có thể trực tiếp giám sát, đảm bảo việc cách ly hiệu quả.

Trước tình hình số lượng người tiếp xúc gần (F1) lớn gây quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung, Bộ Y tế vừa xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho các đối tượng F1 để UBND TP.HCM xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố.

Bộ Y tế đề nghị chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định. Đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly theo Hướng dẫn; tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.

Bộ Y tế yêu cầu người cách ly tai nhà phải chấp hành nghiêm các quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi..., Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người thuộc đối tượng F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Đối với người ở cùng nhà, Bộ Y tế đề nghị có cam kết với chính quyền địa phương và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly; Không để người già, người có bệnh nền cần chăm sóc y tế ở cùng nhà với người cách ly;

Bộ cũng đề nghị các cán bộ y tế hàng ngày tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly. Hỗ trợ người cách ly đo thân nhiệt nếu người cách ly không tự đo được. Ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày.../.