Trong bối cảnh Bắc Giang, Bắc Ninh liên tiếp ghi nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19, vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị khảo sát tình huống có nhiều người mắc bệnh, nhiều F1 nhưng các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ, thì thí điểm quy mô nhỏ cách ly tại nhà, có kết hợp giám sát bằng công cụ công nghệ.
Một số chuyên gia cho rằng, giải pháp này khá hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng dịch, nếu không sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm ngày càng lan rộng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang diễn ra khá phức tạp tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Do đó, khi xuất hiện F0, các bệnh nhân này có thể lây lan virus sang rất nhiều trường hợp F1. Đặc biệt với xuất hiện biến chủng của Ấn Độ, tốc độ lây nhiễm vô cùng lớn, phức tạp.
Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các trường hợp F1 phải được cách ly tập trung. Tuy nhiên, hiện nay dịch diễn biến tại Bắc Giang, Bắc Ninh phức tạp, tập trung trong khu công nghiệp nên số lượng F1 quá lớn, gây ra nguy cơ quá tải trong các khu cách ly tập trung.
Ông Phu cho rằng, bên cạnh việc không đủ chỗ cách ly, các yêu cầu về phục vụ, đồ ăn, sinh hoạt cũng khó có thể đảm bảo.
Bên cạnh đó, việc phòng bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong khu cách ly tập trung cũng là vấn đề lớn. Bởi cũng đã có rất nhiều trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Vì vậy, PGS Phu cho rằng, thời điểm này, việc thí điểm để các trường hợp F1 cách ly tại nhà là hợp lý. Tuy nhiên, việc làm này phải được thực hiện tuyệt đối nghiêm ngặt.
Phân loại các trường hợp để đưa ra biện pháp cách ly phù hợp
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, chúng ta có thể phân loại các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19 để đưa ra biện pháp cách ly phù hợp.
Theo ông Phu, với những người có nguy cơ cao, tiếp xúc gần F0, có thể vẫn đưa họ đi cách ly tập trung để đảm đảm bảo an toàn. Trong khi đó, những trường hợp F1 nhưng nguy cơ không quá lớn có thể được cách ly tại nhà nhưng đảm bảo phải thực hiện nghiêm hướng dẫn phòng dịch.
Ông Phu cũng cảnh báo, nếu người dân không thực hiện nghiêm, việc quản lý không tốt, những trường hợp F1 trở thành F0 có thể nhanh chóng lây cho người nhà và lan ra cộng đồng.
Đồng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng cho rằng, dù cách ly ở đâu cũng đều phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng, xung quanh người cách ly. “Bởi F1 là người mà đã tiếp xúc với F0, chưa có dương tính với SARS-CoV-2 và F1 có thể dương tính bất cứ lúc nào”- BS Khanh cho biết.
Vì vậy, BS Khanh cho rằng, cộng đồng vô cùng rộng, vì vậy nguyên tắc phải bảo đảm nếu F1 cách ly tại nhà phải tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Người được cách ly phải có kiến thức về dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo thái độ và thực hành phòng tránh lây nhiễm tốt.
Có phương tiện giám sát chặt, hình thức xử lý nghiêm
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần phải có những phương tiện để đảm bảo kiểm tra, giám sát người cách ly luôn tuân thủ đúng hướng dẫn, như có thể lắp camera giám sát, đeo vòng, hoặc bằng biện pháp giám sát y tế, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhiều hơn.
Trước đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc cách ly y tế tại nhà. Người dân phải đảm bảo tuân thủ việc tiếp xúc, đeo khẩu trang, khử khuẩn..., thậm chí quy định về xử lý rác thải y tế. Ngoài ra, chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng cũng phải hướng dẫn chi tiết cho người dân, đồng thời kiểm tra, theo dõi những trường hợp cách ly tại nhà.
PGS Phu cũng lưu ý, vấn đề đặt ra cho việc cách ly F1 tại nhà là với những trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương khi phát hiện phải xử lý nghiêm. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực hiện tốt giải pháp này.
Chiều 21/5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị cần siết chặt quản lý tình hình dịch tại các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, đặc biệt là các công nhân tại các khu công nghiệp. Đối với Bắc Ninh, Bắc Giang, Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh phải mạnh dạn thử nghiệm cách ly tại nhà./.