Cùng chung tay, góp sức với Cần Thơ phòng chống dịch bệnh, Sở GD&ĐT thành phố đã xây dựng mô hình “Bếp ấm - Cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19”. Hoạt động này nhắm tiếp thêm tinh thần để lực lượng tuyến đầu thành tốt nhiệm vụ giữ an toàn cho thành phố. 

Có mặt tại Trạm kiểm soát dịch quận Cái Răng vào đầu giờ sáng, không khí tại gian “bếp ấm” đã bắt đầu nhộn nhịp. Được biết, các thành viên được cử tham gia nấu ăn cho mô hình “Bếp ấm - Cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19” có mặt từ 6h15 đến 15h để hỗ trợ sơ chế thực phẩm và chia khẩu phần ăn cho lực lượng kiểm soát dịch. Mỗi ngày có trên dưới 500 suất ăn hỗ trợ các bạn tình nguyện viên, thực đơn các món ăn đa dạng thay đổi mỗi buổi ăn, nguồn kinh phí thực hiện mô hình được vận động xã hội hóa. 

Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Cần Thơ, lãnh đạo các trường THPT và các trường ngoài công lập quận Ninh Kiều, quận Cái Răng phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ sở giáo dục tích cực hưởng ứng và cử lực lượng đoàn viên, nhà giáo, người lao động tham gia chương trình thiện nguyện này. Khi tham gia, mỗi đơn vị cử từ 5 - 10 người, làm việc tại bếp trong 2 ngày cố định theo lịch phân công.

“Bản thân giáo viên là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, nhiều thầy cô tham gia hoạt động tốt phong trào này rất có sức thuyết phục với học sinh. Giáo dục cho thể hệ trẻ có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, với địa phương, đất nước. Qua đó, giúp các em nâng cao lòng yêu thương con người, nhất là những lúc khó khăn, biết chung sức, chia sẻ”, ông Nguyễn Hữu Nhân cho hay.

“Bếp ấm” ra đời dựa trên sự kết hợp giữa ngành giáo thành phố Cần Thơ, các cơ sở đoàn cùng một số cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Mỗi tuần, bếp chính là đầu bếp Trường phổ thông Thái Bình Dương sẽ lên thực đơn 1 lần thông qua Ban điều hành. Thầy cô, các tăng ni, phật tử từ các trường THPT, các chùa luân phiên tới phụ bếp. Bên cạnh đó, phụ trách các chốt sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, điều phối hàng hóa, thực phẩm quyên góp hỗ trợ cho mô hình “Bếp ấm - Cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19” và phân công thanh niên tình nguyện hỗ trợ sơ chế, phân chia khẩu phần ăn cho lực lượng kiểm soát dịch.

Hiện, lượng rau, củ, quả của gian bếp đã được Nông trường Sông Hậu hỗ trợ, bình quân 100kg/ngày (hai ngày chuyển đến 1 lần), công đoàn ngành giáo dục và Trường Phổ thông Thái Bình Dương sẽ chịu trách nhiệm vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ thịt, cá và các nhu yếu phẩm khác.

Thầy Thạch Quốc Phong, giáo viên Trường THPT An Khánh, phụ bếp tại chốt chính dẫn vào trung tâm thành phố Cần Thơ cho biết, trường hiện có 4 thầy cô đăng ký tham gia và thời gian tới, sẽ vận động thêm người quen, đồng nghiệp đến phụ gian bếp.

“Sau khi công đoàn ngành có gợi ý thì tôi cũng đăng ký tham gia. Gian “bếp ấm” này có rất nhiều ý nghĩa, thứ nhất là giúp cho bộ phận kiểm soát nguồn đi vào thành phố, thứ hai, góp một phần nào đó trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tôi tham gia đến khi chương trình này kết thúc, cũng mong sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm hơn, để chương trình đạt kết quả tốt hơn”, thầy Thạch Quốc Phong bày tỏ.

 “Bếp ấm - Cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19" khởi động từ cuối tháng 6, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7, phục vụ các suất ăn cho lực lượng kiểm soát dịch tại chốt chính dẫn vào trung tâm thành phố Cần Thơ và một số chốt khác ở quận Ninh Kiều, Cái Răng. Đây là việc làm đầy ý nghĩa, mỗi người góp chút công sức để chung tay đẩy lùi dịch bệnh./.