vov_bep_com_1_JDKB.jpg
Hơn 10 ngày qua, những tình nguyện viên trực tại các điểm chốt cách ly ở phường Tân Lập và nhiều người dân nghèo khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk luôn cảm thấy ấm lòng khi được nhận những suất cơm miễn phí thơm ngon, nóng hổi được đưa đến tận nơi.
Những suất ăn cơm do nhóm “Bếp cơm xã hội” phường Thống Nhất (thành phố Buôn Ma Thuột) triển khai từ nhiều năm qua, nay lại càng trở nên ý nghĩa trong thời điểm mùa dịch.
Từ 7h sáng, các thành viên của “Bếp cơm xã hội” đã có mặt đông đủ tại trụ sở UBND phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma thuột, tỉnh Đắk Lắk. Mỗi người một việc,  sơ chế thực phẩm, vo gạo, nấu cơm, xào nấu thức ăn…
Họ tất bật chuẩn bị các phần cơm để hỗ trợ cho đội trực chiến tại điểm chốt cách ly thuộc phường Tân Lập. Trong những ngày qua, mỗi ngày, nhóm nấu 100 suất ăn, mỗi suất trị giá khoảng 25.000 đồng. Riêng thứ Bảy và Chủ nhật, số suất cơm tăng lên gấp rưỡi để dành hỗ trợ cho những người khó khăn, tàn tật.
Từ năm 2015, Bếp cơm xã hội đã hoạt động để phục vụ cơm trưa dành cho người nghèo. Các thành viên của bếp chủ yếu là cán bộ, nhân viên đang công tác tại UBND phường Thống Nhất và các tình nguyện viên thuộc các hội, đoàn thể, tổ dân phố quanh khu vực trụ sở. 
Mỗi suất cơm đảm bảo dinh dưỡng với canh, đồ mặn, trái cây tráng miệng được thay đổi từng ngày. Tất cả các khâu từ sơ chế đến nấu nướng đều được thực hiện gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.
Đến 10h30, các suất cơm đã được đóng hộp cẩn thận, các thành viên bắt đầu sắp xếp để mang đến các địa điểm đặt chốt.
 
Đối với các phần cơm dành cho người nghèo và người khuyết tật, nhóm phân chia cho các thành viên mang các suất cơm này đến tận nhà để đưa.
Nhận suất cơm từ thiện, cụ bà Nguyễn Thị Được, 80 tuổi, ở tổ dân phố 1, phường Thống Nhất xúc động cho biết, bà đã già yếu và đang nuôi 2 đứa cháu nhỏ đang tuổi đi học. Mọi khi bà đẩy xe bán trái cây dạo kiếm tiền sống qua ngày. Những ngày qua, thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện cách ly xã hội nên bà không đi bán được, chỉ quanh quẩn trong nhà, tiền ăn phải trông chờ vào khoản tiền công của đứa cháu trai đi làm thêm gần nhà. Nhờ có suất cơm hỗ trợ mỗi ngày từ chương trình Bếp cơm xã hội nên 3 bà cháu đỡ được chút ít, cố gắng tằn tiện để qua mùa dịch.
Bà Ngô Thị Đoan Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thống Nhất, thành viên Bếp cơm cho biết, với ý nghĩa xã hội tích cực, chương trình đã nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân. Bếp cơm sẽ tiếp tục hỗ trợ các suất cơm cho các điểm chốt phòng chống dịch cho đến hết đợt cách ly xã hội. Đồng thời, khởi động lại và tiếp tục duy trì chương trình phục vụ bữa trưa giá rẻ cho người lao động nghèo đã được triển khai từ trước đó./.