Sáng 11/3, tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của hơn 1.000 điểm cầu trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trình bày báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và kế hoạch mua, sử dụng vaccine phòng dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với mục tiêu sẽ tiêm hơn 100 triệu mũi trên toàn quốc để phòng, chống dịch COVID-19.
Về Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu cụ thể các đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí vaccine gồm: Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch (người làm việc trong các có sở y tế, lực lượng quân đội, công an, cán bộ ngoại giao, người tham gia phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy yết, điều tra dịch tế, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên tham gia phòng, chống dịch); Người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hải quan, hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước.…); Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục-đào tạo, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính có tiếp xúc với người dân; Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người trên 65 tuổi mắc các bệnh mãn tính; Người sinh sống tại các vùng có dịch; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Thời gian tiêm chủng sẽ căn cứ vào khả năng cung ứng vaccine để ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng làm công tác phòng, chống dịch bệnh; người sinh sống ở vùng có dịch tiêm trong quý I,II/2021; các đối tượng ưu tiên còn lại tiêm trong quý III, IV/2021.
“Khi đến lượt mình, hãy đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ bản thân, người thân và vì một cộng đồng khỏe mạnh”, Thứ trưởng Nguyễn Trưởng Sơn nhấn mạnh.
Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên từ ngày 8/3/2021 tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng, chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.
Vaccine phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên tại Việt Nam là vaccine của AstraZeneca, một trong ba vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vaccine này) khẩn trương vận chuyển đến các địa phương ngay sau khi vaccine được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn.
Do nguồn cung vaccine trên toàn cầu rất hạn chế, nên để triển khai sớm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng, Bộ Y tế đang tích cực thúc đẩy đàm phán để nhập khẩu vaccine từ các nguồn, đồng thời khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước để đảm bảo tự chủ nguồn vaccine phòng COVID-19 bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, như bất kỳ một loại thuốc hay vaccine nào khác, vaccine COVID-19 có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ.
“Vaccine là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vaccine sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải. Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vaccine của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do COVID-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng”, ông Nguyễn Trưởng Sơn nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, tính đến cuối giờ chiều 10/3 - ngày thứ ba triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19, Việt Nam đã tiến hành tiêm cho tổng cộng 955 người. Các trường hợp được báo cáo bổ sung của hai ngày tiêm trước đều là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy…
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, theo quy định của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vaccine, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngối chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều, được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
“Tất cả người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm, khi phát hiện những biểu hiện bất thường họ phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời. Để nhanh chóng triển khai được công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các đơn vị trong nước để đảm bảo tiếp nhận, bảo quản, cung ứng vaccine; hướng dẫn sử dụng vaccine và thực hiện các quy trình tiêm chủng an toàn”, ông Sơn khẳng định.
Bên cạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, thực hiện nghiêm yêu cầu “5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, trường học, công sở, nhà máy.../.
Theo kế hoạch, trong tháng 3-4/2021, Việt Nam sẽ có 5,657 triệu liều vaccine COVID-19, cụ thể Việt Nam sẽ nhận được 4.177.000 liều vaccine phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cung ứng. Tất cả đều là vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Cũng trong tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1,48 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế mua thông qua VNVC.