Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương biểu dương ngành y tế, đặc biệt là Bộ Y tế đã tham mưu tích cực và triển khai thành công chiến dịch phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.
“Tôi mong rằng, đất nước ta sẽ tiếp tục có những hành động thiết thực trong phòng, chống dịch COVID-19. Chúng ta “chống dịch như chống giặc”, do vậy, khi giặc đã tới nơi nếu chúng ta làm không cụ thể thì sẽ không thể thành công”, ông Huỳnh Tấn Việt nhấn mạnh.
Trong năm qua, Đảng ủy Bộ Y tế đã phối hợp với Ban cán sự Đảng tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống bệnh COVID-19. Đặc biệt, ngành y tế đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, cao hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo báo cáo được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trình bày tại buổi làm việc, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch bệnh. Việt Nam cũng áp dụng triệt để các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh như ngăn chặn xâm nhập, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch; công tác truy vết người nghi nhiễm kể cả biện pháp thủ công và ứng dụng công nghệ đã đạt được nhiều thành công. Đồng thời, thực hiện minh bạch thông tin dịch bệnh, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang, từng bước xây dựng và thiết lập trạng thái “bình thường mới”.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đã ban hành các quyết định về việc thành lập 4 tiểu ban phục vụ Đại hội, gồm: Tiểu ban văn kiện Đại hội, Tiểu ban nhân sự Đại hội, Tiểu ban Tuyên truyền Đại hội và Tiểu ban phục vụ Đại hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, ngành y tế đã cùng tất cả các bộ, ngành, các cơ quan và toàn dân triển khai các hoạt động chống dịch COVID-19 thành công.
Trong năm qua, bên cạnh việc chống dịch, ngành y tế cũng có rất nhiều đổi mới. Trong đó, có chương trình đổi mới chỉ tiến hành trong 45 ngày như triển khai 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa và đến nay đã phát huy được hiệu quả tốt. Sắp tới, Bộ Y tế mong muốn thực hiện một chương trình tham vọng là 100% các cơ sở y tế trên toàn quốc phải được kết nối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa, để nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở và để người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại cơ sở.
“Chúng tôi có những câu chuyện rất cảm động, như việc người bệnh ở Mù Cang Chải không thể về Hà Nội chữa bệnh và bắt buộc phải mổ ở tuyến cơ sở. Các y bác sĩ ở bệnh viện Việt Đức đã hội chẩn trực tuyến, hướng dẫn các y bác sĩ tuyến cơ sở tiến hành ca mổ. Sau đó 2 tuần, người bệnh đã gửi lời cám ơn tới các y bác sĩ ở các điểm cầu. Hay trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ Y tế cũng đã thiết lập hệ thống điều trị toàn tuyến, hội chẩn trực tuyến trong điều trị COVID-19”, ông Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Ban cán sự, cấp ủy và lãnh đạo của Bộ Y tế thống nhất rằng, 2021 là năm bản lề trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ tất cả các hoạt động của ngành y tế, từ khám bệnh, chữa bệnh, vấn đề y tế dự phòng, vấn đề về đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực y tế có chất lượng và cạnh tranh với các nước.
Bên cạnh đó là đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Trong một thời gian rất ngắn, Bộ Y tế đã khai trương Cổng công khai y tế. Đây là lần đầu Bộ Y tế công khai 62.000 loại thuốc; 40.000 trang thiết bị và hơn 90.000 kết quả đấu thầu. Giá dịch vụ y tế cũng được công khai, để tăng cường sự giám sát của các cơ quan cũng như của người dân đối với các dịch vụ, hướng tới một nền y tế công khai, minh bạch và hiệu quả.
Hiện nay, ngành y tế đang tập trung cho chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19. Trong 2 ngày đầu, cả nước đã tiêm vaccine cho 522 người, trong đó, một số trường hợp có những phản ứng sau tiêm và hiện đều đã ổn định. Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 sau thời gian đầu có những khó khăn, bỡ ngỡ, để đảm bảo tiêm kịp thời và đảm bảo số lượng tiêm.
Bộ Y tế đang ưu tiên cho nỗ lực đảm bảo vaccine cho tất cả người dân thông qua các nguồn cung vaccine của các tổ chức, cũng như tiến hành mua vaccine nước ngoài./.