Ngày 29/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với 5 tỉnh Tây nguyên tổ chức Hội thảo “Quản lý bền vững đất và nước ứng phó với hạn hán, lũ lụt, hoang mạc hóa và biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên”.

Những tác động tiêu cực phát sinh từ yếu kém trong quản lý, kiểm tra, giám sát việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện đã được hội thảo đề cập.

hoi-thao-tay-nguyen.jpg

Đại biểu dự hội thảo là các chuyên gia đến từ nhiều viện nghiên cứu và các ngành chức năng của 5 tỉnh Tây Nguyên. Các đại biểu cho rằng, ngoài những lợi ích mang lại, các công trình thủy điện cũng đã tạo ra nhiều bất lợi, ảnh hưởng xấu đến tài nguyên nước, môi trường sinh thái và đời sống người dân, nhất là vùng hạ du. Điển hình là việc tích nước mùa khô khiến nhiều vùng hạ du các sông trở nên thiếu nước trầm trọng.  

Đáng lo ngại hơn nữa, một số công trình thủy điện như An Khê – Ka Nak (Gia Lai),  Đa Nhim và Đại Ninh (Lâm Đồng), Thượng Kon Tum (Kon Tum) chuyển nước từ dòng sông này qua dòng sông khác, khiến đoạn sông từ hạ lưu đập bị khô cạn; các sông cái phía hạ nguồn như Đà Rằng, Đồng Nai bị nước mặn lấn sâu, gây ra những mâu thuẫn giữa các địa phương về nhu cầu nguồn nước.

Hiện tượng lũ chồng lên lũ (hay còn gọi là lũ nhân tạo) do việc xả lũ từ các thủy điện xuống vùng hạ lưu được các đại biểu nhắc đến như là mối nguy hại khôn lường cho vùng hạ lưu các con sông. Điển hình là trong trận bão số 15 vừa qua, các thủy điện ở Tây Nguyên đã "góp phần" không nhỏ khiến vùng hạ lưu bị ngập lụt sâu hơn, thời gian kéo dài lâu hơn và thiệt hại cũng lớn hơn.

Cùng với đó, còn có một mối nguy hại khôn lường khác đến từ sự rủi ro do vỡ đập thủy điện, đặc biệt là đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Tiến sĩ Nguyễn Lập Dân, Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phân tích: “Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ hồ chứa vừa và nhỏ rất lớn. Nếu theo Nghị định 72, tất cả các hồ đập có dung tích 3 triệu m3 trở lên, khi thiết kế phải tính đến an toàn hồ đập. Nhưng địa bàn Tây Nguyên hiện nay, những công trình có dung tích 10 triệu m3 mới được quan tâm vấn đề an toàn hồ đập, mà quan tâm cũng chưa hoàn thiện. Cái đó bắt buộc phải xem lại, hiện nay chúng ta làm vẫn còn lơi lỏng”.

Các đại biểu dự hội thảo đã nêu một số kiến nghị liên quan đến việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa và thành lập Ủy ban lưu vực ở 4 con sông lớn của Tây Nguyên gồm: sông Ba, sông Sê San, sông Sêrêpôk và sông Đồng Nai, nhằm tổ chức điều phối lưu vực theo Nghị định 120/2008 của Chính phủ. Cùng với đó, xây dựng quy chuẩn về ngưỡng khai thác nước mặt và dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các công trình thủy điện.

Việc cấp phép xây dựng và vận hành các dự án thủy điện phải cân nhắc và tính toán đến khả năng điều tiết lũ; đối với hồ thủy điện dung tích hơn 100 triệu m3 phải dành một dung tích nhất định để  phòng lũ cho hạ du./.