Do Bộ luật Lao động hiện hành có những nội dung quy định gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động của nhiều doanh nghiệp, cũng như chưa đảm bảo hết các quyền lợi của người lao động… nên Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang được Chính phủ giao soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để trình Quốc hội xem xét vào năm tới.
Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ đăng trên website để lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và người lao động về những nội dung dự kiến sẽ sửa đổi trong Bộ luật Lao động lần này.
Tháng 9/2018 sẽ lấy ý kiến xã hội về Bộ luật Lao động sửa đổi (ảnh minh họa) |
Đến tháng 1/2019, sẽ trình Chính phủ xem xét và tháng 5/2019 sẽ trình Quốc hội. Trong đó, có nội dung quan trọng liên quan đến chính sách tiền lương, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người sử dụng lao động và người lao động trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập và tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại toàn cầu.
Ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: Một trong những thay đổi mà vừa rồi Ban chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết 27 về “Cải cách chính sách tiền lương”, trong đó có nêu rõ Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Cho nên Bộ luật lao động sau này sẽ thể hiện theo hướng các thang lương, bảng lương trong doanh nghiệp; khoảng cách các bậc như thế nào; rồi thời gian tăng lương là bao nhiêu hoàn toàn do doanh nghiệp tự quyết định trên cơ sở thương lượng với tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đó, miễn là tiền lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Thủ tướng Chính phủ công bố. Mức lương tối thiểu này sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động./.
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018-2021 sẽ được hỗ trợ thêm tiền?
Cải cách tiền lương: Mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức
Cải cách tiền lương: Xây dựng hệ thống chính sách khoa học, minh bạch