Phát biểu tại Hội nghị trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động…”.

Việc trả lương sẽ tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc làm cơ sở để tăng lương.

Đề án cải cách tiền lương được trình và thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc chi trả lương cho người lao động vốn được coi là “cào bằng” và có nhiều bất hợp lý trong suốt thời gian qua.

tien_luong_vaeu.jpeg
 

Để cải cách tiền lương thực chất, hiệu quả, theo quan điểm của các chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương, cần tách bạch hệ thống tiền lương khu vực hành chính và hệ thống tiền lương khu vực sự nghiệp.

Không tách bạch thì chúng ta lại tiếp tục ban hành một bảng lương chức vụ cho cả đơn vị hành chính lẫn sự nghiệp, nếu làm không cẩn thận thì lại không khác gì hiện nay, chỉ thay phụ cấp bằng mức lương. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp từ trường mẫu giáo, mầm non đến các phòng của huyện (quản lý Nhà nước) sẽ chung hết lại, các chức vụ tương đương áp dụng một mức lương.

“Theo tôi, về nguyên tắc đơn vị sự nghiệp phải chuyển sang hạch toán kinh tế (chứ không phải hạch toán kinh doanh), vì mỗi lần chi một đồng ngân sách phải gắn với công việc, sản phẩm hàng hóa cụ thể trong khu vực đó và phải đánh giá được. Thứ hai, khu vực đó phải xã hội hóa được nên nó đi theo cơ chế thị trường được. Cái gì tư nhân không làm được, xã hội hóa không làm được thì Nhà nước phải đứng ra, coi như là một công ích (ví dụ như phổ cập giáo dục, phòng chữa bệnh…). Ở đây không phải là kinh doanh vì nó không thể chạy theo lợi nhuận. Đơn vị sự nghiệp xã hội hóa nhưng không đặt nặng lãi, cái lãi hình thành là những đóng góp của những học viên khi trưởng thành sau này đóng góp ở các trường cũng như các viện nghiên cứu…” – vị chuyên gia này khẳng định.

Cụ thể, với các đơn vị giáo dục như các trường đại học được tự chủ, Nhà nước tài trợ một phần chi phí đào tạo cho những ngành học thiết yếu cho xã hội. Còn với những nhóm ngành “hot” thì không thực sự cần sự chia sẻ, hỗ trợ của Nhà nước. Chia sẻ ở đây có nội dung khác với việc Nhà nước trợ giúp các đối tượng chính sách và người yếu thế.

Đối với tài chính đại học, ngân sách Nhà nước đóng góp chủ yếu dưới hai hình thức: Tài trợ cho những ngành học Nhà nước cần khuyến khích và ở những vùng nhà nước cần khuyến khích theo tinh thần chia sẻ chi phí; và hỗ trợ nhóm đối tượng chính sách và người yếu thế theo tinh thần chính sách xã hội.

Đối với các bệnh viện, tính đủ viện phí và tách tiền lương bác sĩ khỏi lương hành chính. Để tách bạch lương hành chính và lương sự nghiệp, toàn bộ tiền lương sẽ được hạch toán vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Với mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật thống nhất, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, không phân biệt vùng miền. Đồng thời, việc chi trả từ tiền túi của người dân sẽ giảm đi và giảm rất mạnh. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình và được bảo hiểm y tế chi trả.

Khi các đơn vị hành chính sự nghiệp tự hạch toán chắc chắn người dân sẽ được cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt hơn. Người dân cũng có quyền lựa chọn cho mình dịch vụ tốt để sử dụng. Còn như hiện nay, dù người dân mất tiền nhưng khi nhận về các dịch vụ không tương xứng, nhiều khi còn có cảm giác như ban phát. Chỉ khi việc cung cấp dịch vụ gắn với quyền lợi của các viên chức Nhà nước thì khi đó mới có yếu tố thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng.

2 phương án cải cách tiền lương

Phương án 1, mở rộng quan hệ lương từ 1 – 2,34 – 10 như hiện nay lên 1 – 2,68 – 12 từ năm 2021. Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức trong bảng lương mới (tương ứng với hệ số 1,86 - trình độ trung cấp trong bảng lương hiện hành) là 4,14 triệu đồng, tăng 11,3% so với năm 2020. Trong khi mức lương tương ứng hiện nay tính theo lương cơ sở được tăng lên 1,39 triệu từ 1-7 tới đây mới đạt gần 2,6 triệu đồng.

Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 - trình độ đại học hiện nay) sẽ đạt 5,96 triệu đồng, tăng 27,4% so với năm 2020. Trong khi đó mức lương tương ứng với hiện nay chỉ hơn 3,25 triệu đồng. Đáng chú ý là mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 hiện hành) đạt 26,7 triệu đồng, tăng 33,5% so với năm 2020. Trong khi, mức lương tương ứng hiện nay chỉ 13,9 triệu. 

Phương án 2, mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 – 2,34 – 10 hiện hành lên 1 – 3 – 15 từ năm 2021. Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức vẫn tăng như phương án 1 là 4,14 triệu nhưng chuyên viên bậc 1 tăng lên 6,68 triệu (tăng 42,7% so với 2020); chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng lên 33,4 triệu đồng (tăng 67% so với 2020).