Trong khi các nước trên thế giới có thể mất đến 100 năm để chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già, thì Việt Nam lại chuyển sang giai đoạn dân số già chỉ trong 22 năm. Tốc độ già hóa dân số nhanh đặt ra những báo động về các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi, lao động. PGS. TS. Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã đưa ra phân tích về vấn đề này.
PGS. TS Lưu Bích Ngọc Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: NVCC) |
PV: Trong kết luận số 119 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 11, ban hành năm 2016 có nội dung cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Mới đây, vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận trong Hội nghị Trung ương 6. Vậy theo bà, vì sao lại đặt ra vấn đề này trong thời điểm hiện tại?
PGS. TS Lưu Bích Ngọc: Sau 55 năm thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, đến nay mức sinh của Việt Nam đã giảm từ hơn 6 con/phụ nữ vào thời điểm những năm 1960 xuống còn 2 con/ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào năm 2005 và tiếp tục duy trì mức sinh này tới nay.
Dân số luôn là đầu vào, là mẫu số của sự phát triển. Quy mô dân số hiện nay là 95 triệu dân nhưng sức ép dân số về cơ sở hạ tầng, các vấn đề về dịch vụ xã hội, xóa đói giảm nghèo… đã rất lớn. Đặt giả thiết, nếu không thực hiện các mục tiêu Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, với quy mô dân số như vậy, sức ép sẽ lớn đến mức nào?
Do đó, chúng ta không thể phủ nhận được tính đúng đắn của chính sách kế hoạch hóa gia đình trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, đến nay, dân số đã bước vào thời kỳ dư lợi của cơ cấu dân số hay còn gọi là cơ cấu dân số vàng. Đồng thời song hành với nó, quá trình già hóa dân số cũng đang diễn ra nhanh chóng do việc giảm sinh và nâng cao tuổi thọ của người dân.
Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để duy trì được cơ cấu dân số vàng, phát triển cơ cấu dân số đó giúp phát triển, tăng trưởng kinh tế, xã hội. Dân số đó mới thực sự trở thành “cơ cấu dân số vàng” có ý nghĩa.
PV: Dân số Việt Nam đang trong quá trình già hóa, chúng ta có thể phải đối mặt với những vấn đề như thế nào, thưa bà?
PGS. TS Lưu Bích Ngọc:Già hóa dân số xảy ra khi tỷ lệ người già, người cao tuổi ở một quốc gia trên 10%.
Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên vượt trên mức 20% tổng dân số có nghĩa rằng chúng ta bắt đầu tình trạng dân số già. Già hóa dân số xảy ra khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên trong khi tỷ lệ trẻ em giảm đi.
Khi trình độ phát triển của quốc gia càng cao thì mức độ giảm sinh càng mạnh nên gần như các quốc gia trên thế giới đều trải qua quá trình quá độ dân số, từ dân số trẻ sang dân số già.
Điều đáng nói là các nước trên thế giới có thể phải mất đến 100 năm để chuyển từ dân số trẻ sang dân số già, nhưng với Việt Nam chỉ cần 22 năm. Sở dĩ, quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, do chúng ta đã thực hiện nhanh chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, giảm sinh nhanh ở giai đoạn trước đây.
Ngoài ra, theo tiến trình phát triển, những thành tựu trong y học, xã hội cũng đã góp phần giúp tăng tuổi thọ của người dân. Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng tuổi thọ khá trên thế giới. Tuổi thọ trung bình hiện nay của Việt Nam là 74 tuổi, như vậy chính việc tăng tuổi thọ, sẽ làm tăng tốc độ già hóa dân số.
Khi tình trạng già hóa dân số diễn ra, chúng ta có thể phải đối mặt với những vấn đề như lao động già đi, các vấn đề của người cao tuổi, dân sinh, phúc lợi cho người cao tuổi và các vấn đề về di cư.
Ở khía cạnh thứ 2, trước đây, chúng ta có lực lượng lao động trẻ, nhưng hiện nay lực lượng lao động này đã bước sang độ tuổi cao hơn. Như vậy, chúng ta có thể không thiếu lao động, nhưng việc làm đó có đảm bảo không, có bền vững hay không lại là chuyện khác.
Sự chuyển đổi cơ cấu dân số sẽ dẫn đến chuyển đổi lực lượng lao động từ lao động trẻ sang lao động già, chúng ta sẽ phải thích ứng với những lao động này như thế nào?
Với những lao động trẻ, chúng ta có thể trang bị cho họ kỹ năng, nhanh chóng thích ứng, nhưng đối với những lao động già, hoặc ở độ tuổi trung niên, từ 50 tuổi trở lên, họ rất khó để tiếp thu khoa học công nghệ. Bài toán gắn với già hóa dân số không chỉ là giải quyết vấn đề cho những người trên độ tuổi lao động, mà đáng lo hơn nữa là giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội cho những người vẫn đang trong độ tuổi lao động theo quy định nhưng bước vào độ tuổi cao hơn. Do đó, chúng ta cần có sự chuyển đổi mô hình kinh tế để có lực lượng lao động ở mô hình phát triển tương đối hài hòa, một bên là kinh tế, một bên là các vấn đề xã hội.
Dưới góc nhìn một nhà kinh tế xã hội, tôi cho rằng khi chúng ta đảm bảo các vấn đề về kinh tế, chúng ta mới đảm bảo các vấn đề về xã hội, ngược lại phải có mục tiêu xã hội, chúng ta mới có thể giải quyết tốt các vấn đề kinh tế.
PV: Tại hội nghị Trung ương 6, Bộ Y tế đã đề xuất các phương án điều chỉnh mức sinh hiện nay. Theo đó, phương án 1 là duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt, vận động các cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con mà không quy định thành luật, linh hoạt theo từng địa phương. Phương án 2 là tiếp tục chính sách mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, giảm tốc độ gia tăng dân số. Phương án 3 là cho sinh thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
PGS. TS Lưu Bích Ngọc: Trong Hội nghị Trung ương 6, các phương án về dân số cũng đã được đưa ra để tham khảo ý kiến. Như đã phân tích ở trên, chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình là cần thiết và đã đạt được các thành quả nhất định.
Như trên đã nói, chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình rất cần thiết và đúng đắn với Việt Nam trong những năm trước đây. Hiện nay, chúng ta đã đạt những thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu tiếp tục sử dụng thông điệp: “Mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con” và tiếp tục giảm tốc độ gia tăng dân số của đất nước, chúng ta sẽ rơi vào mô hình dân số thoái triển, có nghĩa là già hoá nhanh, ít trẻ em và thanh niên, thiếu hụt lao động trong tương lai…
Trong lĩnh vực nhân khẩu học, người ta luôn hướng tới “mô hình dân số cân bằng”, với mức sinh thay thế, dân số sẽ phát triển ổn định qua các thời kỳ. Điều này cho thấy Việt Nam cần duy trì mức sinh như hiện nay với thông điệp vận động “các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”, điều này cần phải linh hoạt theo từng địa phương nữa vì một đặc điểm phức tạp về mức sinh của Việt Nam là rất khác biệt giữa các vùng địa lý.
Với phương án 3, “cho phép người dân được sinh thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí”, mức sinh lại có nguy cơ bùng phát. Tuy không cao như mức sinh trước đây song kịch bản này cũng cho một quy mô dân số lên tới 120 triệu người. Quan điểm của tôi là “Việt Nam cần duy trì mức sinh thay thế, tiếp tục vận động các cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con”.
Chúng ta làm sao thực hiện dân số không tăng quá cao, không tạo ra áp lực trong quá trình phát triển cho từng công dân, quá trình phát triển của xã hội và sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay cả nước có đến 13% các cặp vợ chồng bị vô sinh thứ phát. Chúng ta vận động các cặp vợ chồng sinh con hợp lý và cũng cần hỗ trợ các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn trong việc sinh con. Quan điểm của tôi cho rằng, chính sách dân số cần giải quyết tất cả các vấn đề dân số chứ không chỉ là vấn đề sinh bao nhiêu con.
PV: Xin cảm ơn bà!/.