Kết luận số 119 năm 2016 của Ban Bí thư trung ương Đảng khóa 11 cũng nhận định: thành tựu giảm sinh trong những năm qua ở Việt Nam là vững chắc. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh lại không đồng đều giữa các vùng. Ở khu vực nông thôn mức sinh luôn cao hơn thành thị. Trước bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng, Trung ương Đảng cần ban hành nghị quyết mới về dân số và cần chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

sinh1con_vvmo.jpg
Nhiều gia đình ở thành phố chỉ sinh 1 con (ảnh minh họa).

Chị Nguyễn Kim Nhung, ở quận Hà Đông, Hà Nội đang làm quản lý cho một công ty du lịch với mức lương khá cao, trên 20 triệu đồng/1 tháng. Vợ chồng chị có một con trai năm nay 12 tuổi nhưng chị Nhung không có ý định sinh thêm con. Chị chia sẻ, muốn dành hết tình thương yêu và tập trung đầu tư cho con để sau này có một tương lai tốt đẹp:
Chi Nhung nói: “Trước mắt, chúng tôi phải lo cho con có sức khỏe thật tốt, sau này lo cho cháu chuyện học hành, vì tôi thấy áp lực học ở nước mình rất lớn. Bây giờ mà không lo cho con học hành đến nơi đến chốn thì chuyện tụt hậu không thể tránh khỏi”.
Không có mức thu nhập cao nên chị Nguyễn Thị Hồng, ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh không muốn sinh con thứ 2 vì sợ đối mặt với áp lực về kinh tế. Chị Hồng chia sẻ: “Tôi đang làm viên chức nhà nước, lương chỉ vừa đủ để nuôi một con. Chi phí ở thành phố ngày càng gia tăng nên tôi không muốn sinh thêm con”.
Ngược lại với quan niệm và cách nhìn của chị Nhung và Hồng ở 2 thành phố lớn, chị Phạm Thanh Hà ở Thanh Hóa đã có 4 người con gái nhưng vẫn sinh thêm đứa thứ 5 là con trai để thỏa ước mong có người “nối dõi tông đường” của gia đình nhà chồng. Vậy nhưng cuộc sống khó khăn vất vả, vợ chồng chị Hà không đủ nuôi 5 con ăn học. 2 đứa lớn học hết lớp 9 phải nghỉ học để ra thành phố kiếm việc làm thêm, đứa nhỏ 4 tuổi vẫn chưa được đi học mẫu giáo.
Chị Phạm Thanh Hà cho biết: “Chồng tôi làm phụ hồ, ngày làm ngày không, suốt ngày say xỉn nhưng cứ bắt đẻ con trai. Đông con không đủ tiền cho con ăn học, khổ con nhưng nếu không đẻ được con trai thì bị chồng dọa bỏ cả gia đình. Em không muốn sinh nữa nhưng chồng muốn phải sinh con trai”.
Tỷ lệ sinh không đồng đều ở các khu vực là thực tế đang diễn ra ở nước ta. Trong khi tại nhiều tỉnh vùng nông thôn có tỷ lệ sinh cao, thậm chí vượt quá mức sinh thay thế, thì tại những đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh đang ở mức rất thấp trong hơn 3 năm qua, khi mỗi người mẹ chỉ có khoảng 1,5 con. Tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi người mẹ cũng chỉ có 1,76 con. Một số địa phương đã chuyển khẩu hiệu “mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con” thành “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”.
Mặc dù tỷ lệ sinh ở mỗi vùng có sự khác nhau nhưng theo các chuyên gia dân số, tổng tỷ suất sinh của cả nước trong nhiều năm qua có xu hướng giảm một cách vững chắc. Từ thực tế này, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, đã đến lúc nước ta cần điều chỉnh chính sách về dân số.
“Chúng ta sẽ điều chỉnh chính sách trong thời gian tới khi có những dấu hiệu mức sinh xuống thấp thì điều chỉnh chính sách để đưa mức sinh trở lại mức ổn định. Vì khi mức sinh đã ở mức quá thấp sẽ khó đưa lên, kinh nghiệm tại các nước phát triển đã cho thấy điều đó” - ông Nguyễn Văn Tân nhận định.

ư vấn về kế hoạch hóa gia đình tại nơi có tỷ lệ sinh còn cao.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội, hơn 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được và duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Vì vậy, cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số. Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân, sau nhiều năm nước ta đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình và nâng cao nhận thức của người dân thì các điều kiện về kinh tế xã hội đang chi phối rất lớn đến mô hình sinh ít con. Do đó, việc Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 11 đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 xem xét, ban hành Nghị quyết mới về dân số là hết sức cần thiết.
Tiến sỹ Giang Thanh Long nói: “Nghị quyết mới là một sự cần thiết là đường lối chủ trương để mọi người thấy rằng, tỷ suất sinh đang có xu hướng giảm, tốc độ giá hóa dân số tăng nhanh. Từ định hướng đó, các bộ ngành có liên quan có các chương trình, chính sách cụ thể để tận dụng được cơ hội của cơ cấu dân số vàng, tạo việc làm và chuẩn bị cho cơ cấu dân số già với vấn đề tích lũy, hưu trí hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi”.
Hiện dân số nước ta là hơn 90 triệu người. Nếu duy trì tổng tỷ suất sinh ở mức 2 con/1 phụ nữ thì dân số Việt Nam sẽ chỉ đạt 115 triệu người vào năm 2049. Đây là mức hợp lý, phù hợp với diện tích lãnh thổ, ổn định số người trong độ tuổi lao động và sự phát triển bền vững. Để đảm bảo có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng này, việc ban hành một Nghị quyết mới về dân số phù hợp với thực tế xu thế phát triển của dân số Việt Nam là hết sức cần thiết./.