Hôm nay (25/4), tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Tổng Cục thuỷ lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện các nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2, Sông Côn 2, Đăk Mi 4, A Vương cùng các ban ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tổ chức họp bàn phối hợp xả nước từ các hồ chứa thuỷ điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

song-tranh.jpg
Đập thủy điện Sông Tranh 2 (Ảnh: Huy Bình/Lao Động)
Trên cơ sở đo đạc, nhận định của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quảng Nam lưu lượng nước trên các dòng sông của Quảng Nam những tháng đầu năm 2014 thiếu hụt, mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013, nguy cơ thiếu nước nặng nhất vào khoảng tháng 7 và tháng 8/2014.  

Ông Lê Duy Vọng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng cho biết: với nhu cầu cung cấp nước tưới cho hàng trăm hecta lúa và rau màu vụ hè thu, cộng với nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân Đà Nẵng  thì nguy cơ thiếu nước trong mùa khô năm nay đã hiển hiện. Hiện nay, mặn đã xâm nhập vào khu vực Cầu Đỏ, buộc nhà máy nước Đà Nẵng đã phải bơm nước từ đập An Trạch, cách xa 8km về phía thượng nguồn để dẫn về nhà máy xử lý. Thêm vào đó, vào khoảng đầu tháng 5/2014, nông dân Đà Nẵng bắt đầu cần nước đổ ải để sản xuất vụ hè thu. Vì vậy thành phố Đà Nẵng đề nghị các nhà máy thuỷ điện như A Vương, Đăk Mi 4 xả nước, tạo điều kiện sản xuất và sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng.

Ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đề nghị: “Làm sao đảm bảo mực nước cao trình khống chế tại An Trạch đủ ở cao trình 2.2 để đủ nước bơm phục vụ cho nông nghiệp và nước sinh hoạt của Đà Nẵng”.

Tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị các nhà máy thuỷ điện cần thực hiện đúng theo quy chế phối hợp phòng chống hạn của tỉnh Quảng Nam đã ban hành để đảm bảo nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho đến ngày 31/8/2014.  

Sau khi tổng hợp ý kiến đại diện các ngành chức năng cũng như của địa phương, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết: Tổng cục Thủy lợi đã bàn bạc với các chủ đầu tư thuỷ điện trên địa bàn, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam qua đó thống nhất bắt đầu từ 10/5 - 31/5, các thuỷ điện sẽ xả nước với lưu lượng ít nhất như sau: thuỷ điện A Vương xả 39m3/s; thuỷ điện Sông Tranh 2 xả 110m3/s và thuỷ điện Đăk Mi4 xả 50m3/s. Trong thời gian xả nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các địa phương cũng như các ngành chức năng cũng cần linh hoạt điều phối xả nước cho phù hợp giữa lợi ích của thuỷ điện và lợi ích của địa phương. Về phía các chủ đầu tư thủy điện cũng sẽ hợp tác với chính quyền các địa phương trong việc xả nước chống hạn.

Ông Đỗ Xuân Yến, Giám đốc Công ty Cổ phần thủ điện ĐăkMy 4, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Theo sự thống nhất tại buổi sáng nay, chúng tôi sẽ chạy máy từ 10/5 -31/5, chạy 1 tổ máy với lưu lượng 50 m3/s cho đến hết 31/5. Sau đó sẽ tiếp tục trao đổi thêm”.

Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thực hiện việc giám sát xả nước. Nếu phát hiện thuỷ điện không xả nước theo đúng cam kết thì có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hướng xử lý thích hợp./.