Sáng 22/3, tại Nhà máy Thủy điện Sơn La, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức “Lễ phát động trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện”. Dự lễ có Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Dự án thủy điện Sơn La là dự án đa mục tiêu và đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 12/2012. Căn cứ Quyết định số 1773/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Công trình thuỷ điện Sơn La vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho công trình trong quá trình vận hành, EVN đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La lập thiết kế chống xói lở các hạng mục công trình, đặc biệt là khu vực hai vai đập và nhà máy thủy điện cần thiết phải quản lý, tái tạo thảm thực vật.

pttg%20tham%20gia%20trong%20cay%20bao%20ve%20moi%20truong%20thuy%20dien.jpg
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham gia trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện.

UBND tỉnh Sơn La cũng đã có Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 15/4/2013 giao cho Công ty Thủy điện Sơn La quản lý gần 795 ha hành lang an toàn, trong đó diện tích cần trồng rừng khoảng 298 ha.

Theo đó,  EVN phối hợp với UBND tỉnh Sơn La chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức Lễ phát động trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện tại khu vực vai phải, vai trái đập và khu K1 Nhà máy Thủy điện Sơn La. Cây trồng tại đây gồm hai loại cây chính là Phượng hoàng lửa và Keo tai tượng.

Tham gia lễ trồng rừng sáng nay bao gồm Ban chỉ đạo Nhà nước các Dự án thủy điện Sơn La-Lai Châu, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Sơn La, UBND huyện Mường La, EVN, Tổng Công ty Sông Đà và các nhà thầu thi công thủy điện Sơn La, Ban Quản lý Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Điện lực Sơn La, nhân dân huyện Mường La, học sinh trường dân tộc nội trú Mường La (tổng số khoảng 600 người tham gia trồng rừng).

Theo EVN, để bảo vệ môi trường xung quanh các công trình thủy điện, EVN xác định việc trồng cây hoàn trả mặt bằng thi công, trồng bù rừng là góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện, đây là trách nhiệm của EVN đối với cộng đồng, với đất nước.

Đối với những dự án thủy điện triển khai trong những năm gần đây, việc trồng bù rừng đã được EVN thực hiện quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Được biết, trong những năm qua, các nhà máy thủy điện của EVN đã chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho địa phương thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của 29 tỉnh, góp phần nâng mức khoán bảo vệ rừng, xóa đói, giảm nghèo...(năm 2013 đã trả tiền DVMTR 1.148 tỷ đồng, dự kiến năm 2014 phí DVMTR sẽ trả khoảng 1.192 tỷ đồng).

Cũng tại buổi lễ, EVN cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nước và môi trường rừng và sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng giao. EVN luôn phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân tại các dự án thủy điện để thực hiện công tác trồng bù rừng sao cho đạt được hiệu quả cao nhất./.