Mua thuốc dễ như mua rau

Bị đau đầu, hắt hơi sổ mũi nhiều ngày chưa khỏi, bà Trần Thị Thoa (54 tuổi, ở phố Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) vào hiệu thuốc gần nhà kể triệu chứng bệnh thì được nhân viên bán thuốc kê cho một số loại kháng sinh và chỉ định liều dùng trong 5 ngày. Ngoài ra, nhân viên quầy thuốc còn “bắt mạch” bà bị viêm xoang nên cần phải mua thêm thuốc Levoquin - loại kháng sinh chuyên điều trị viêm xoang.  

“Cô nhân viên ở quầy bán thuốc cũng tư vấn cho tôi là khi bị viêm xoang cấp thì dùng thuốc này 5 đến 7 ngày là đỡ. Tôi cũng đã mua thuốc nhưng thấy bảo uống thuốc này khá mệt nên tôi chưa uống. Tôi định hỏi thêm ý kiến của bác sỹ rồi mới dùng.”- bà Thoa nói.

vov_hieu_thuoc_hoan_chinh_plgc.jpg
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc. 

Khảo sát một số hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), Ngọc Lâm (quận Long Biên), hàng ngày có rất đông người tới mua thuốc. Nhiều người tới mua cầm theo đơn để dược sĩ kê thuốc nhưng cũng có nhiều người tự đến mua mà không hề có đơn thuốc kèm theo.

Dược sĩ Trần Thị Thanh Ng. chủ một hiệu thuốc ở phố Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Cũng có người đến mua thuốc cầm theo đơn bác sỹ kê nhưng đa phần mọi người đến và nói tên thuốc là chúng tôi bán. Có người chỉ mới chớm ho, chúng tôi tư vấn ống siro, vệ sinh mũi, họng là sẽ khỏi nhưng họ vẫn yêu cầu bán kháng sinh, bởi những lần trước họ cũng bị như vậy và uống kháng sinh là khỏi. Vì vậy, trong quầy có thuốc mà khách yêu cầu thì chúng tôi cứ bán vì không mua ở hiệu này, khách cũng tới các hiệu thuốc khác mua”.

Các chuyên gia cho rằng, việc lạm dụng thuốc, tự ý mua thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh để điều trị bệnh vô cùng nguy hiểm. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở khu vực nông thôn, các vùng quê, mà ngay tại các thành phố lớn, dân trí cao, người dân vẫn có thói quen ngại đến bệnh viện, bỏ qua việc thăm khám, kê đơn của bác sĩ mà tự mua thuốc để uống.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không ở đâu lại có thể mua bán thuốc thoải mái như ở Việt Nam, nhất là thuốc kháng sinh. “Tôi đã từng thử làm người đi mua thuốc, vào hiệu thuốc hỏi mua thuốc kháng sinh Amox thì được chủ quầy thuốc bán ngay, thậm chí tôi thử hỏi mua cả nghìn viên chủ quầy cũng đồng ý bảo sẽ có người mang thuốc đến. Trong khi đó, ở nước ngoài, thuốc kháng sinh Amox không phải dễ dàng có thể mua được”- PGS Nguyễn Tiến Dũng nói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng, hiện nay đa phần khi trẻ bị sốt, chảy nước mũi, cha mẹ thường ra hiệu thuốc tự mua kháng sinh hoặc lấy đơn thuốc khám trước đó rất lâu của con do bác sỹ kê để mua cho con uống. Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, thuốc kháng sinh không thể tùy tiện sử dụng mà cha mẹ có thể dễ dàng mua và cho uống mà không cần chỉ định. Nếu lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ rất nguy hiểm, có nguy cơ trẻ bị kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị.

Tăng cường kiểm soát

Hiện cả nước có 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trước tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, Bộ Y tế triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn (gọi tắt là Đề án kiểm soát bán thuốc kê đơn). Trong đó quy định, hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc là hành vi bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên thời gian qua, việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc quá lớn, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000- 500.000 đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, với mức phạt thấp như hiện nay (200.000-500.000 đồng) khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục vi phạm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc, từ tháng1/2018, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc tại 4 tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc.

Dự kiến trong năm 2018, dự án kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc sẽ hoàn thành, phấn đấu từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc. Để thực hiện hiệu quả, các quầy thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu./.