Ngày 13/9, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị thuộc bộ và Sở Giao thông Vận tải 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dỡ bỏ quy định giãn cách trên các phương tiện vận tải hành khách xuất phát từ Đà Nẵng. Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn thực hiện một số quy định hết sức máy móc đối với người đến từ Đà Nẵng gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều người cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tự “ngăn sông cấm chợ”.
Văn bản của Bộ Giao thông Vận tải về dỡ bỏ quy định giãn cách trên các phương tiện vận tải hành khách xuất phát từ Đà Nẵng nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 ngày 11/9/2020, căn cứ tình hình dịch Covid-19 về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, Bộ GTVT yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách xuất phát từ Đà Nẵng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...) từ 14h chiều 13/9. Văn phòng Chính phủ cũng vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 11/9.
Thủ tướng "Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt".
Thế nhưng cho đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn thực hiện kiểm soát theo văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ngày 7/9 đối với người từ các vùng có dịch gồm TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Hải Dương đến Thừa Thiên Huế với mục đích cá nhân. Theo văn bản này, người từ 3 địa phương vừa nêu vào tỉnh Thừa Thiên Huế phải đăng ký khai báo y tế người, phương tiện ra/vào tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao để được xem xét, phê duyệt; trường hợp vướng mắc thì liên lạc về tổng đài 19001075 để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Sau khi được phê duyệt vào Thừa Thiên Huế, người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV- 2 bằng phương pháp Realtime-PCR cho kết quả âm tính trong vòng 72h khi đến các chốt kiểm tra liên ngành để vào tỉnh. Thời gian lưu trú tại Thừa Thiên Huế tối đa là đến thời điểm hết hạn 72 giờ tính từ khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR. Trường hợp nếu công dân có nhu cầu cấp thiết muốn tiếp tục ở lại tỉnh Thừa Thiên Huế thì phải tiếp tục lấy lại mẫu để xét nghiệm chậm nhất 12h trước khi kết thúc thời hạn 72h của lần xét nghiệm PCR trước đó. Kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm công dân chịu trách nhiệm chi trả và phải đăng ký lại tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao.
Về việc này, ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giải thích, các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương chưa qua 28 ngày không có bệnh nhân mới mắc Covid-19. Vì vậy, có thể từ ngày 15/9 tỉnh Thừa Thiên Huế mới dỡ bỏ hạn chế đối với người từ Quảng Nam đến tỉnh Thừa Thiên Huế nếu hết ngày 14/9 Quảng Nam qua 28 ngày không phát hiện trường hợp mắc bệnh mới. Đối với người từ Đà Nẵng thì phải sau 24/9 và đối với người từ Hải Dương thì sau 30/9 mới được dỡ bỏ kiểm soát nếu các địa phương này không phát hiện trường hợp mắc mới Covid-19.
Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: đối với các các trường hợp đến từ vùng dịch cố tình không thực hiện các quy định phòng dịch của tỉnh sẽ thực hiện cách ly có thu phí.
"Tất cả các địa phương đã có dịch bệnh lưu hành thì căn cứ vào ca bệnh cuối cùng của địa phương đó, để xác định thời gian công bố hết dịch theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian không phát thêm ca bệnh mới là 28 ngày; và từ đó, chúng ta tính ra ngày chúng ta sẽ dỡ bỏ tất cả các điều khoản. Cụ thể như Đà Nẵng là ca 1040 là ca cuối cùng được phát hiện, ca này được xác định dương tính từ ngày 28/8. Như vậy chúng ta cộng thêm 28 ngày, tính từ ngày 28/8 sẽ dỡ bỏ các điều kiện ràng buộc. Lúc đó thì Đà Nẵng đủ điều kiện công bố hết dịch"- ông Hoàng Văn Đức cho biết.
Anh Nguyễn Văn Th., nhà ở đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế làm việc tại TP Đà Nẵng cho biết, vợ anh sinh con đã gần 1 tháng rưỡi nay nhưng anh chỉ thấy mặt con qua mạng. Nay, TP Đà Nẵng đã hết dịch ngoài cộng đồng, anh muốn về thăm vợ con nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu phải đăng ký xin phép rất nhiêu khê. Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký, người có nhu cầu vào Huế phải chờ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh cho phép. Khi được đồng ý cho vào thì người đó phải đi xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR. Sau khi trình báo kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV -2 cá nhân đó chỉ được về Huế trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm chứ không phải kể từ khi được trả kết quả.
Anh Th. băn khoăn 2 điều, thứ nhất là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Đà Nẵng không làm dịch vụ xét nghiệm. Thứ hai, khi đến cơ sở y tế tư nhân làm xét nghiệm không biết có được chấp nhận hay không. Nếu được chấp nhận thì thời gian lấy mẫu, nhận kết quả đã hết 1 ngày. Vì vậy, nếu được vào Huế trong vòng 72 giờ thì thời gian thực tế chỉ còn 48 tiếng. Nếu ở lại quá thời gian này phải tiếp tục xét nghiệm và chi phí do cá nhân tự chi trả. Anh Nguyễn Văn Th. cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế quá máy móc khi ban hành những quy định hết sức ngặt nghèo, chặn đứng người dân từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương khi có việc thật sự cần thiết phải đến Huế.
"Hiện nay, Đà Nẵng đã rất lâu rồi không xuất hiện ca mắc Covid-19 mới. Tuy nhiên, người Đà Nẵng muốn ra Huế thì theo quy định của tỉnh Thừa Thiên Huế là phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 tiếng tính từ khi lấy mẫu. Việc này rất khó khăn và gây phiền hà cho người dân từ Đà Nẵng ra Huế, ảnh hưởng rất lớn cho việc kinh doanh, làm ăn cũng như học tập khi có nhu cầu tới Huế"- anh Th. chia sẻ.
Ông H.M. Đ, ở thị trấn A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ông có con được tuyển thẳng vào một trường Đại học ở thành phố Đà Nẵng. Lần đầu con đi xa nhà, gia đình muốn đưa cháu vào nhập học để sắp xếp nơi ăn ở, chỗ học tập nhưng vướng phải quy định, khi vào Đà Nẵng trở ra phải cách ly 14 ngày. Ông H.M. Đ băn khoăn, chính quy định này khiến gia đình không “tiến thoái lưỡng nan”:
"Trường có thông báo ngày 19/9 học sinh phải nhập học. Tuy nhiên theo quy định của tỉnh ở Huế vào Đà Nẵng thì được nhưng khi quay ra phải chịu cách ly 14 ngày. Cho nên việc đưa cháu đi nhập học là khó khăn. Cháu phải tự túc vào. Chơi kiểu đóng cửa ngay cả từ Huế lên A Lưới cũng phải qua trạm kê khai tất tần tật."- ông Đ nói.
Khó khăn nhất hiện nay là hàng nghìn sinh viên nhà ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hết kỳ nghỉ hè, hết dịch trong cộng đồng đã 17 ngày nhưng không thể ra Huế, đến trường học tập trở lại. Nhiếu sinh viên phải học qua mạng.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 11/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các cấp ủy, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Vậy các quy định của tỉnh Thừa Thiên Huế mà theo nhiều người đó là kiểu “ngăn sông cấm chợ” có đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?./.