Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, dọc tuyến biên giới đất liền trải dài hơn 89 km giáp với nước bạn Lào, nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập tại những vị trí “huyết mạch” giao cắt những đường mòn, lối mở. Các chốt kiểm soát này kịp thời ngăn chặn người dân ở khu vực biên giới qua lại trái phép. Những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, vất vả, giữ vững sự bình yên nơi vùng biên.
Tuần tra tại các đường mòn lối mở. |
Đều đặn 2 lần trong tuần vào buổi chiều, bà con thôn Chi Hòa, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới đã quen với hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt đi xe máy có gắn chiếc loa thùng, chạy khắp những con đường trong thôn, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thôn Chi Hòa có gần 90 hộ dân đều là người dân tộc Cơ Tu. Bà con sống dưới chân núi Ba Lách, phía bên kia đỉnh núi là đất nước bạn Lào. Do thôn nằm ở xa trung tâm xã nên cách tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng phát huy được hiệu quả, nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ông Hồ Văn Mặc, Trưởng thôn Chi Hòa, xã Lâm Đớt cho biết, cán bộ Biên phòng thường xuyên tuyên truyền giúp người dân thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch Covid-19: "Biên phòng đã tuyên truyền với người dân cũng như thôn trưởng, Bí thư Chi bộ cùng tất cả ban ngành đoàn thể của thôn cũng vào cuộc. Đây là một vấn đề tôi cho rằng riêng Đồn biên phòng hiện nay làm rất là được, tạo cho nhân dân cái vấn đề để sâu này dịch bệnh nó không bùng phát nữa".
Bữa cơm của các chiến sĩ tại chốt chặn biên giới. |
Xã Lâm Đớt nằm cách 2 bản A Rốc và Ka Lô thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông nước bạn Lào khoảng 7 km. Người dân hai bên biên giới có mối quan hệ họ hàng gắn bó, thân thiết, cộng với việc đường sá đi lại giữa hai bên thuận lợi, nên ngày trước bà con ở vùng biên này thường xuyên qua lại giao lưu, thăm hỏi, trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh.
Ông Lê Hồng Hùng, Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận, nâng cao ý thức chấp hành không qua lại biên giới. Người dân ở xã Lâm Đớt chủ yếu là đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu, trong phong tục của bà con, đám cưới, đám tang, thường kéo dài nhiều ngày nhưng khi thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, chính quyền và Bộ đội Biên phòng vận động bà con tổ chức rút gọn lại, hạn chế tập trung đông người.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt đang triển khai 6 chốt chặn với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, luân phiên trực để kiểm soát tình hình người dân qua lại khu vực biên giới. Thời gian qua, các chốt này đã phát hiện hàng chục trường hợp vượt biên trái phép, buộc đưa đi cách ly y tế tập trung hoặc xử phạt hành chính. Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt xác định công tác phòng chống dịch Covid-19 là cuộc chiến lâu dài, cán bộ, chiến sĩ tại chốt không được chủ quan lơ là, thực hiện kiểm soát chặt chẽ, không cho người dân lợi dụng địa hình đồi núi qua lại ở khu vực biên giới trái phép.
Những công việc thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã góp phần quan trọng giữ vững trận tuyến phòng chống dịch Covid-19 trên khu vực biên giới. Dọc tuyến biên giới của tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập 36 chốt kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, các Đồn Biên phòng còn tăng cường lực lượng tham gia các chốt liên ngành của địa phương.
Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các chốt kiểm soát dịch bệnh theo hướng kiên cố và bán kiên cố để phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19: "Chúng tôi đã triển khai toàn bộ lực lượng lên tuyến đầu chốt chặn trên các tuyến, đặc biệt khóa chặt đường biên giới nhằm mục đích không cho đối tượng vượt biên từ ngoài biên giới vào và trong biên giới ra, kể cả những khu vực đường mòn lối mở. Hiện nay về các chốt thì triển khai đảm bảo theo quy tắc và cán bộ chiện sĩ nêu cao trách hoàn thành nhiệm vụ"./.