Hiện Việt Nam có khoảng 227.000 người nhiễm HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV/AIDS không ngừng gia tăng qua các năm. Trong khi đó, việc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta từ trước tới nay chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài. 100% tiền mua Methadone và 95% tiền mua thuốc điều trị ARV là nguồn viện trợ. Tuy nhiên, từ năm nay, nguồn viện trợ thuốc điều trị HIV/AIDS đã bị cắt giảm. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ này sẽ không có thuốc điều trị hoặc phải chi ra khoản tiền lớn để mua thuốc.
PV:Thưa bà, trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải tự chủ nguồn tài chính khi các nguồn tài trợ của nước ngoài bị cắt giảm. Vậy Việt Nam phải có những kế hoạch gì để đảm bảo tiếp tục điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS?
Bà Trương Thị Mai: Hiện nay, tất cả các lộ trình cắt giảm của các tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam cũng đã được xác lập. Không phải mới đây mới có thông tin mà chúng ta đã có thông tin từ khá sớm, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Xu thế chung của các nhà tài trợ là khi một nước khó khăn trở thành nước có thu nhập trung bình thì họ sẽ cắt giảm nguồn tài trợ để tài trợ cho những nước khó khăn hơn.
Chúng ta cũng phải chuẩn bị cho sự thay đổi này. Có một điểm rất cơ bản là hiện nay chương trình phòng chống HIV/AIDS đã là một chương trình mục tiêu quốc gia. Việc duy trì chương trình này như thế nào để đón đầu cho việc cắt giảm từ các tổ chức tài trợ.
Cuối năm nay, Quốc hội sẽ thảo luận cho việc sắp xếp lại toàn bộ chương trình mục tiêu quốc gia. Việc bù đắp vào khoản thiếu hụt khi các nhà tài trợ giảm phải được thảo luận khi sắp xếp lại chương trình trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống HIV/AIDS.
Với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban, tôi sẽ cùng thảo luận với Ủy ban, đề xuất xem chúng ta sẽ tồn tại, duy trì một chương trình phòng, chống HIV/AIDS nằm trong chương trình chung về y tế trong việc sắp xếp lại lần này của Quốc hội.
Đề xuất này phải có tính thuyết phục, phải có căn cứ và phải có những số liệu cụ thể. Quan trọng nhất, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện mục tiêu 90-90-90 (phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định) theo cam kết của Chính phủ.
PV:Trước mắt, bà có đề xuất gì để giúp cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp tục được điều trị bệnh khi hầu hết đều gặp khó khăn về kinh tế?
Bà Trương Thị Mai: Chúng ta phải duy trì những kết quả đã đạt được để làm sao vừa duy trì, vừa phát triển chương trình này. Chúng ta có cơ chế đã thảo luận và đưa vào luật pháp, đó chính là bảo hiểm y tế.
Tôi nghĩ đây là nguồn lực rất quan trọng. Tôi đang tính tới việc đề xuất là đối với bảo hiểm y tế, những ai là người nghèo mà bị nhiễm HIV, nhà nước sẽ mua cho họ, những người có điều kiện, có thu nhập họ sẽ tự bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế.
Một năm mua vài trăm nghìn thẻ bảo hiểm y tế nhưng mức độ được điều trị lớn hơn. Đây là giải pháp quan trọng cho những người nhiễm HIV/AIDS trong thời gian tới. Hiện những người nhiễm HIV/AIDS mua bảo hiểm y tế chỉ có hơn 30%. Với lộ trình là 80% người nhiễm HIV/AIDS tham gia mua bảo hiểm y tế vào năm 2020, tôi hy vọng sẽ tăng lên chứ không phải là 30% như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta tiếp tục vận động, kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức cho Việt Nam trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Có lẽ sẽ có khó khăn, tuy nhiên chúng ta cũng chuẩn bị các phương án để đáp ứng nguồn lực cho tương lai. Với cam kết của Việt Nam, tôi hy vọng Chính phủ sẽ chuẩn bị rất kỹ, đặc biệt là cơ chế làm sao để mua thuốc ARV với giá hợp lý, ổn định là một việc rất quan trọng để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất.
Hiện Việt Nam đang mua giá thuốc rất đắt. Chúng ta cần nghiên cứu để có cơ chế mua thuốc bằng giá thuốc của Quỹ Toàn cầu hay Pepfar. Với hy vọng nguồn lực sắp tới tuy không lớn nhưng lại đáp ứng số lượng lớn người nhiễm có thể điều trị.
PV:Hiện Việt Nam phải mua thuốc ARV với giá rất đắt, gấp 7-8 lần giá mua của Quỹ Toàn cầu hay Pepfar. Vậy Việt Nam có thể thỏa thuận hoặc có kế hoạch như thế nào để mua được giá thuốc rẻ như các tổ chức tài trợ không, thưa bà?
Bà Trương Thị Mai: Bộ Y tế cho biết, Việt Nam còn những khó khăn trong việc trao đổi với các Bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính trong việc dùng ngân sách nhà nước để mua thuốc giá rẻ, duy trì trong thời gian dài. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải có sự trao đổi giữa các Bộ để tìm ra cơ chế thuận lợi nhất để chúng ta có thể mua thuốc giá rẻ, hợp lý và duy trì trong thời gian dài.
Có như vậy, nguồn lực từ phía ngân sách nhà nước hoặc bảo hiểm y tế được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nhất. Còn cơ chế này như thế nào hiện các Bộ đang bàn, Ủy ban cũng sẽ góp ý kiến vào cơ chế này để có thể có giải pháp tốt hơn.
Hiện nay giữa Bộ Tài Chính và Bộ Y tế còn đang thảo luận, Bộ Y tế vẫn còn những điểm chưa thống nhất trong cơ chế mua sắm thuốc ARV để có một mức giá như Pepfar và Quỹ Toàn cầu họ mua chỉ với 200 USD/1 người/1 năm.
Với mức giá đó, nguồn lực tài chính của Việt Nam mới đủ sức chịu đựng được. Còn với giá thuốc cao như hiện nay mà chúng ta trực tiếp mua thì rất khó khăn.
Bố trí nguồn lực nhưng nguồn lực phải được sử dụng hiệu quả nhất. Muốn hiệu quả thì giá phải thấp và đi vào đúng đối tượng.
PV:Vâng, xin cảm ơn bà!./.