Theo Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội Đào Quang Vinh, quý 3/2017, kinh tế có nhiều khởi sắc, tăng trưởng GDP đạt 7,5%, là mức kỷ lục sau nhiều năm.
Các điểm sáng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành thủy sản và dịch vụ cũng đã tác động tích cực tới thị trường lao động, việc làm tăng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp và dịch vụ; tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Trong quý 3/2017, số người có việc làm là 53,77 triệu, tăng 365.900 người (0,69%) so với quý 2/2017 và 496.900 người (0,93%) so với quý 3/2016.
Tỷ lệ thất nghiệp nhìn chung giảm, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ từ đại học trở lên tăng. (Ảnh minh họa) |
Trong quý cuối cùng, cùng với mức tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (12,8%) số người có việc làm trong ngành này có mức tăng cao nhất trong tất cả các ngành.
Tiếp đến là các ngành xây dựng, vận tải, tài chính, kho bãi hoạt động bất động sản, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.
Mặc dù tỷ trọng lao động quý 3 trong ngành nông lâm thủy sản tiếp tục giảm nhưng số lượng lao động làm việc trong ngành này vẫn tăng cho với quý trước là 101.000 người.
So với quý 2/2017 và cùng kỳ năm ngoái, các ngành có số người làm việc giảm nhiều nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động làm thuê tại các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng hộ gia đình.
Cũng trong quý 3, cả nước có 1.074.800 lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 6.800 người so với với quý 2 và 42.900 người so với quý 3/2016. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,21%.
Tuy nhiên, số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý 2/2017, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%.
Nhóm trình độ cao đẳng có 84.400 người người thất nghiệp, tăng 1.900 người so với quý 2/2017, tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm nhẹ xuống còn 4,88% nhưng vẫn ở mức cao nhất.
Nói về vấn đề này, ông Đào Quang Vinh cho rằng quý 3 khá sát với thời điểm sinh viên ra trường. “Thông thường, sinh viên sau khi tốt nghiệp cần 3-4 tháng, thậm chí 6 tháng để có thể tìm việc. Đây là lý do quan trọng nhất dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ từ đại học trở lên”.
Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng tác động lớn đến tỷ lệ thất nghiệp.
Một nghiên cứu mới đây của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, lao động Việt Nam mất một thời gian khá lớn để tìm, làm quen với công việc sau khi ra trường.
Ông Đào Quang Vinh cho rằng, điều này bắt nguồn từ sự kết hợp chưa thực sự tốt giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.
“Thực tế, sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa thể làm việc ngay mà mất thời gian học thêm các kỹ năng khác, hoặc doanh nghiệp phải đào tạo thêm từ 3-6 tháng. Đây là những khiếm khuyết cần cải thiện trong thời gian tới”, ông Đào Quang Vinh nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, các trường CĐ, ĐH nên đẩy mạnh mô hình liên kết với các doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng chương trình học, nâng cao khả năng thực hành thực tế cho sinh viên./.