Chị Phạm Thị Hằng, 33 tuổi ở Tuyên Quang chia sẻ, đang làm công nhân cho một công ty sản xuất linh kiện của Nhật trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long với thâm niên 12 năm. Mặc dù vẫn làm việc cho doanh nghiệp nhưng chị cảm thấy lo lắng khi một số đồng nghiệp của chị bị chủ sử dụng lao động cho nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau. Do hầu hết những lao động như chị đều chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học nên khi mất việc gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.
Công nhân làm việc trong các khu công nghiệp có nguy cơ mất việc sau tuổi 35. |
Ngoài 35 tuổi, sức lao động giảm, không doanh nghiệp nào muốn nhận vào làm, nhiều người phải đi bán hàng hoặc làm các công việc tự do với thu nhập bấp bênh. Chị Phạm Thị Hằng cho biết: “Trong khu công nghiệp đã có vài công ty sa thải công nhân với lý do rất đơn giản là người lâu năm thì lương cơ bản cao và công việc cũng chỉ có như thế thôi. Vì thế họ sa thải người cũ, tuyển người trẻ với công việc như vậy họ chỉ trả lương thấp hơn so với những người làm lâu năm”.
Áp lực công việc cùng với lo lắng sẽ bị doanh nghiệp cho nghỉ việc bất cứ lúc nào, chị Nguyễn Thu Hương ở Vĩnh Phúc tranh thủ thời gian được nghỉ đi học nghề, tránh nguy cơ thất nghiệp sau khi mất việc: “Làm ở công ty thì áp lực lớn, áp lực từ công việc, từ cấp trên, thời gian làm quá sức, hầu như ở công ty không có thời gian để đi đâu. Tôi biết rằng làm ở đây không được bền vững, công ty sẽ sa thải dần những người lớn tuổi. Vì thế tôi quyết định nghỉ việc và theo học khóa học miễn phí đào tạo nấu ăn, sau này có thể xin làm việc trong nhà hàng hoặc tự mở hàng ăn”.
Vì sao phải thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018?
Hiện cả nước có trên 6 triệu lao động độ tuổi từ 18-30 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp. Theo kết quả nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 80% phụ nữ ở tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Phần lớn lao động nữ trở về làm công việc nội trợ gia đình, lao động tự do, còn lại mở cửa hàng buôn bán nhỏ và quay trở lại làm nông nghiệp. Dự báo, chỉ khoảng trong 10 năm nữa sẽ có khoảng 2-3 triệu người bị mất việc làm trước tuổi nghỉ hưu.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 đang đặt ra một nguy cơ lớn đáng báo động cho thị trường lao động Việt Nam, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và tạo thêm gánh nặng an sinh xã hội. Nguyên nhân khiến lao động bị sa thải một phần do người lao động không thích ứng được với thay đổi về công nghệ nhưng nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp cần thay lao động trẻ hơn, khỏe hơn, năng suất lao động cao hơn và chỉ phải trả mức lương thấp hơn lao động lâu năm.
Khó khăn tuyển sinh, các trường nghề ký cam kết đầu ra cho sinh viên
Ông Vũ Quang Thọ cho rằng: “Có lẽ Việt Nam đang đi vào giai đoạn sa thải lao động từng mảng, phần lớn là các doanh nghiệp dệt may, da giầy, chế biến thủy, hải sản, lắp ráp linh kiện… Những doanh nghiệp này dễ dàng sa thải lao động, thay thế lao động mới với thời gian huấn luyện không nhiều. Với hàng triệu lao động trẻ nhưng không có trình độ, trước đây là lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên hiện lực lượng này không còn chiếm ưu thế ở thời kỳ cách mạng 4.0, lao động giá rẻ không còn lợi thế nữa”.
Tại những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã lên danh sách khuyến khích và hỗ trợ tiền cho công nhân làm việc trên 15 năm nghỉ việc trước tuổi. Như vậy, sẽ gia tăng xu hướng người thất nghiệp bổ sung vào lượng lao động không chính thức. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số người nhận BHXH một lần tăng lên nhanh chóng.
Ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho biết, hầu hết người lao động tại các khu công nghiệp đều có trình độ tay nghề thấp, khi mất việc hầu như không có khả năng xin việc khác.
Từ năm 2006, nhà trường đã đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn người lao động sau khi mất việc làm. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế phần nào giúp người lao động có thể kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi mất việc. Những lao động này có thể bỏ công việc tạm thời và tái thất nghiệp bất cứ lúc nào và đây là gánh nặng an sinh xã hội mà Chính phủ sẽ phải đối mặt.
Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, nhà nước cần tạo ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lâu năm, đồng thời, chủ động phối hợp các trường nghề, đẩy mạnh công tác định hướng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Mong muốn có việc làm mới để ổn định cuộc sống sau khi bị nghỉ việc của người lao động là hoàn toàn chính đáng. Vì thế, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp để tình trạng thất nghiệp sau tuổi 35 không còn là nỗi lo của người lao động./.
Tăng lương tối thiểu vùng: Lợi ích không chỉ cho người lao động
Tăng lương tối thiểu vùng, mức sống người lao động có tăng?
Trả nghìn đô mỗi tháng, doanh nghiệp vẫn “bói” không ra lao động