Sáng 1/10, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức họp báo phát động Chiến dịch tuyên truyền và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời báo chí trong cuộc họp báo |
Tham dự buổi họp báo Phát động chiến dịch có Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên- Cục trưởng Cục CSGT đường bộ- đường sắt, đại diện Bộ GT-VT, Hiệp hội vận tải đường bộ…
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong chiến dịch này sẽ tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông. Các cuộc tọa đàm với chủ đề rượu, bia và tai nạn giao thông trên VTV, VOV. Phổ biến quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Đặc biệt, tổ chức các đợt tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Tổ chức thí điểm tuần tra, kiểm soát chuyên đề nồng độ cồn áp dụng kinh nghiệm quốc tế tại Quảng Ninh.
Ngoài ra, UB ATGT Quốc gia sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo bàn về trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà sản xuất trong việc sản xuất, lưu thông, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo,… đồ uống có cồn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, đến nay tại Việt Nam mới chỉ có 4 hãng bia nước ngoài có in cảnh báo trên vỏ sản phẩm như bia Heiniken, Tiger… trong khi các doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn trong nước chưa thực hiện việc này. Tuy nhiên dòng chữ cảnh báo “Đã uống chất uống có cồn thì không được lái xe” ở vị trí chưa dễ nhìn, co chữ nhỏ, khó đọc, như bia Heiniken là một ví dụ. “Chúng tôi sẽ vận động các nhà sản xuất in chữ to, vị trí dễ nhận biết”, ông Hiệp cho biết thêm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ- đường sắt cho biết, trong chuyên đề này, CSGT sẽ tập trung kiểm tra nhiều hơn cho việc đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện đường bộ”.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên việc đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện đường bộ, trước đây chúng ta đã làm nhưng lực lượng cảnh sát mỏng, phương tiện phục vụ công tác này đang rất thiếu nên làm chưa triệt để. Rõ ràng điều kiện chưa cho phép nhưng cũng phải tự nhận rằng có muộn còn hơn không. Cho nên trong 3 tháng cuối năm này, chủ yếu sẽ tuyên truyền để làm thay đổi ý thức người điều khiển phương tiện “ Đối với việc tuyên truyền không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện là “cuộc chiến” gai góc hơn so với trước đây vận động người dân đội mũ bảo hiểm. Vì đây là phong tục, tập quán…”, ông Tuyên đánh giá.
Theo kế hoạch thời gian tăng cường đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trong 3 tháng cuối năm 2012, bắt đầu từ hôm nay (1/10).
Theo thống kê chưa đầy đủ các vụ xử lý vi phạm an toàn giao thông được xử lý ở nước ta có 80% số vụ liên quan đến bia, rượu. 30% số ca tử vong liên quan quan đến bia, rượu. Trong năm 2012, các vụ tai nạn giao thông đã gây thiệt hại 2,7% GDP, trong đó có 1/3 liên quan đến bia rượu./.