Chiều 7/11, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thu hút nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề biên chế giáo viênđang vướng nhiều bất cập.
Giáo viên khắc khoải, mong chờ câu trả lời
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), không rõ Bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo như thế nào mà hầu hết các địa phương vẫn diễn ra tình trạng các ngành y tế, giáo dục đang kêu bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng. Trong khi ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều yêu cầu mới. Đến thời điểm này, văn bản chỉ đạo chưa có. “Kỳ thi viên chức giáo dục ở một số địa phương đã chính thức diễn ra mà không có bất cứ một sự ưu tiên nào dành cho các giáo viên hợp đồng. Đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm, có đóng bảo hiểm xã hội”- đại biểu Thúy nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) mang tâm thư của một giáo viên dạy 14 năm nhưng bị chấm dứt hợp đồng chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. |
Đặc biệt, trong phần chất vấn của mình, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đã giơ cao tâm thư của một giáo viên dạy 14 năm nhưng bị chấm dứt hợp đồng. “Đơn cử trong tay tôi đây là một tâm thư kêu cứu của một giáo viên đã ký hợp đồng giảng dạy trong suốt 14 năm qua, nay bị chấm dứt hợp đồng. Có lẽ giờ đây, những giáo viên này đang dõi theo, đang khắc khoải, đang mong chờ câu trả lời rõ hơn từ Bộ trưởng về văn bản chỉ đạo đó. Văn bản này đang ở giai đoạn nào? Đang soạn thảo hay là trình ký”- nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng chất vấn.
Cùng băn khoăn, đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) đặt vấn đề: Bộ trưởng đã có văn bản đồng ý cho tuyển dụng đối với những giáo viên hợp đồng từ ngày 31/12/2015 trở về trước, tuy nhiên việc tuyển dụng này chưa đáp ứng đủ 87.696 biên chế giáo viên hiện còn thiếu ở các cấp học. Đại biểu Thủy cũng yêu cầu Bộ trưởng cho biết, lộ trình tuyển dụng đối với số biên chế giáo viên còn thiếu cũng như lộ trình xây dựng, ban hành nghị định riêng về vấn đề này?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, giáo viên và cử tri đang rất trông chờ vào chủ trương tăng biên chế. Bộ trưởng nêu rõ, ngày 6/11 vừa qua, Bộ trưởng đã ký văn bản về giải quyết biên chế cho giáo viên mầm non ký hợp đồng trước 31/12/2015. Ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã yêu cầu phát hành văn bản gửi 63 tỉnh thành và trả lời cho TP Hà Nội về giải quyết vấn đề biên chế hợp đồng ký trước 31/12/2015 cho giáo viên có đủ tiêu chuẩn điều kiện theo vị trí việc làm, không vi phạm kỷ luật thì được xét trở thành biên chế viên chức trong năm 2015 nếu còn.
“Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận. Đây là đợt 2 giải quyết vấn đề biên chế cho giáo viên mầm non. Chỉ tiêu biên chế năm 2015 còn thì khi có thông báo của Bộ Nội vụ về thì Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và Y tế tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trình HĐND bổ sung biên chế trong năm 2015 còn để giải quyết ngay nhóm này” – ông Tân cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Đối tượng này khác với tuyển theo Nghị định 161, không có chuyện cạnh tranh. Đây là gỡ rối cho các địa phương trong thời gian qua. Riêng những hợp đồng không được cấp thẩm quyền cho phép thì không được xét trong trường hợp này.
Cần thiết định hình cơ chế biên chế đặc thù riêng với giáo viên
Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng đã khẳng định, giáo dục có những vấn đề đặc thù khác hẳn so với y tế. Vì vậy, ông nhấn mạnh, việc định hình cơ chế biên chế đặc thù riêng với giáo viên là rất cần thiết để đảm bảo chủ trương “Có người học thì phải có người đứng lớp”. Bởi, theo Bộ trưởng, ngành y tế đang có nguồn thu từ bảo hiểm y tế toàn dân. Phần thu của cơ sở y tế đến năm 2020 nếu đạt được trên 90%, đây là nguồn thu lớn mà ngành giáo dục không có, thay vào đó phải thực hiện chế độ học phí do Chính phủ quy định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. |
“Xã hội hóa trong y tế kêu gọi được nhiều nhà đầu tư, nhưng xã hội hóa giáo dục, nhất bậc THPT trở xuống ở nông thôn miền núi thực sự khó khăn. Biên chế định mức giáo viên ở vùng miền núi không như ở đô thị, thành phố. Mặc dù có nhiều chính sách nhưng vẫn chưa đủ sức thu hút giáo viên đến công tác vùng này” – Bộ trưởng Nội vụ cho biết.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xin chủ trương của Chính phủ về việc có một cơ chế riêng về vấn đề biên chế giáo dục, đảm bảo giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương, cùng với Bộ Nội vụ xây dựng một nghị quyết tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên, đảm bảo hợp lý, có lộ trình giảm, giảm cán bộ quản lý và phục vụ thực sự không cần thiết. Đối với giáo viên thì tăng nhưng cũng phải hợp lý, không phải tăng một cách vô cùng. “Các định biên về giáo viên phải tính toán đến các vùng thành phố với các vùng miền núi có khác nhau, để trên cơ sở đấy các địa phương có căn cứ sắp xếp, rà soát”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết./.
Bộ Nội vụ sẽ đề xuất nghị quyết riêng về biên chế giáo viên
Nhiều địa phương tinh giản biên chế giáo viên còn cứng nhắc