Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chiều 7/11, đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) đặt vấn đề: Quyết định số 402 của Thủ tướng ngày 14/3/2016 phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Thủ tướng đã xác định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức tương ứng với tỷ lệ dân số. Nhưng đến nay gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư để hướng dẫn thực hiện.
Mặt khác, trong Đề án phát triển kinh tế - xã hội, vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2021 đến 2030 trình Quốc hội tại kỳ họp này tiếp tục đề xuất chính sách này.
“Vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ tính khả thi của chính sách này?” – nữ đại biểu đặt câu hỏi.
“Đây là lần thứ 2 tôi thay mặt Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng về vấn đề này” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thẳng thắn nhận trách nhiệm khi trả lời đại biểu Hà Thị Lan.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Ông Lê Vĩnh Tân cho biết trong 8 nhiệm vụ mà Chính phủ giao Bộ Nội vụ thì đến nay còn 4 nhiệm vụ chưa thực hiện.
“Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm để nhận trách nhiệm về nội dung này” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ, cho rằng một quy định chế độ chính sách như thế mà chưa lập chương trình, chưa có tổng hợp báo cáo hàng năm và đề án bồi dưỡng, đào tạo cũng chưa có. Khuyết điểm này phải kiểm điểm đến nơi đến chốn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh sắp tới cần thay đổi về cách tuyển dụng để đảm bảo tỷ lệ, không thể tuyển chung giữa cán bộ người dân tộc và người Kinh vì điều kiện vẫn có sự khác biệt, từ tiêu chuẩn, ngoại ngữ...
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định phải cương quyết đảm bảo tỷ lệ người dân tộc. Theo báo cáo từ 40 tỉnh, thành thì cơ bản các tỉnh đảm bảo được tỷ lệ, có nơi đạt tỷ lệ rất cao nhưng ở bộ ngành thì tỷ lệ công chức người dân tộc còn ít do có sự đặc thù. Do đó, tỷ lệ, tiêu chí này ở bộ ngành phải khác của địa phương. Vấn đề này sẽ được xử lý khi sửa đổi bổ sung quy định.
Không có chức danh “hàm”
Cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đặt vấn đề: Chức danh “hàm” của các cơ quan Trung ương mà đại biểu Quốc hội quan tâm từ khóa trước đến nay, đã giải quyết và xử lý như thế nào? Nếu vấn đề này đúng, cần phát huy đồng bộ, nếu sai, cần phải sửa hoặc bãi bỏ.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định Đảng, Nhà nước không quy định chức danh “hàm”. Theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương phối hợp tham mưu xây dựng văn bản về chuyên gia cao cấp, chức danh trợ lý và thư ký và dự thảo này sẽ sớm được trình và sẽ không có chức danh “hàm”.
Cũng liên quan công tác cán bộ, đại biểu Dương Xuân Hoà dẫn quy định tại khoản 2, Điều 13, Quy định số 98 ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển.
Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ chưa ban hành quy định này nên việc thực hiện quy định về luân chuyển cán bộ tại địa phương còn gặp vướng mắc, khó khăn, nhất là quy định chính sách, chế độ đối với cán bộ luân chuyển.
Trước băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định về bãi nhiệm, miễn nhiệm, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, từ chức với cán bộ công chức.
Dự thảo này được chuẩn bị cuối năm 2017 và trình xin ý kiến Trung ương đầu năm 2018 cũng như lấy ý kiến các địa phương. Tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là khi Luật sửa đổi Luật cán bộ công chức, viên chức đang được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 nên Bộ Nội vụ đề nghị và được Thủ tướng cho phép lùi ban hành nghị định để sửa đổi cho phù hợp với luật./.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cam kết sửa quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ