Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 7 – năm 2012 tiếp tục ghi nhận và tôn vinh những người làm báo có tài năng, tâm huyết, luôn nhanh nhạy, bám sát những vấn đề có tính thời sự của đất nước và kịp thời phản ánh trên những trang viết.

Bước chân vào nghề được 10 năm, cũng là từng ấy thời gian nhà báo Hồ Quang Phương, Báo Quân đội nhân dân học hỏi, trau dồi kiến thức để viết về mảng kinh tế. Loạt 5 bài “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh” của anh và đồng nghiệp đã thể hiện cái nhìn sắc sảo, có chiều sâu khi phân tích những vấn đề lớn của nền kinh tế nước ta trong năm 2012.

Loạt bài có sự đầu tư lớn, phân tích thực trạng yếu kém của nền kinh tế, những nút thắt cũng như nguy cơ tiềm ẩn nếu không được giải quyết kịp thời. Đây cũng là loạt bài triển khai đúng vào thời điểm Nghị quyết 13 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được ban hành.

thu-thuy.jpg
Tôn vinh các tác giả đoạt Giải Báo chí Quốc gia năm 2010

Trăn trở về một nội dung lớn, có tính thời sự của đất nước, nhà báo Hồ Quang Phương cho rằng, trong rất nhiều tài liệu, thông tin đa chiều từ dư luận, người làm báo cần bản lĩnh để tìm ra hướng đi đúng, thể hiện trách nhiệm định hướng dư luận. Vì vậy, nhóm tác giả đã thảo luận, trao đổi với các chuyên gia kinh tế và đi đến một quan điểm chung, đó là tạo ra sự tin tưởng cho các doanh nghiệp và cả xã hội về các giải pháp kịp thời của Chính phủ.

“Mỗi người tự định hướng đi cho mình đã là khó, nhưng nhà báo lại là định hướng cho rất nhiều người, cho cả xã hội, cho nên trách nhiệm với mỗi bài báo là rất lớn. Kinh tế không phải là các con số, mà kinh tế là cơm ăn áo mặc, là đời sống dân sinh của tất cả mọi người. Chúng tôi luôn thấy trách nhiệm của mình để mỗi bài viết không phải là một bài viết có chữ, có người kí tên, mà là những bài viết chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian công sức và tâm huyết để tìm cho được những câu trả lời cho các câu hỏi lớn mà đang được đặt ra cho nền kinh tế” – nhà báo Hồ Quang Phương nói.

Cũng đoạt giải A - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 7 – năm 2012, nhóm tác giả Phạm Miên, Phan Đăng, Nguyễn Tuấn, Lệ Thúy - Báo Công an nhân dân lại đi sâu phân tích hiệu quả cũng như những hạn chế của tập đoàn kinh tế Nhà nước qua loạt 5 bài “Tập đoàn kinh tế Nhà nước – những lát cắt thời sự”. Nhóm tác giả đã thẳng thắn mổ xẻ những yếu kém trong quản lý của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các tổng công ty, đưa ra các nhận định, giải pháp để phục hồi và phát triển tốt hơn đồng thời đề cập đến vấn đề an ninh kinh tế.

Thực hiện loạt bài này, nhà báo Lệ Thúy là người trực tiếp đi liên hệ, tìm tư liệu, nhưng khó khăn liên tiếp khó khăn vì tập đoàn kinh tế nào cũng từ chối trả lời về vấn đề tái cơ cấu vốn đã rất nhạy cảm. Nhà báo Lệ Thúy tâm sự, môi trường làm báo trong lực lượng công an nhân dân đã rèn luyện cho chị và đồng nghiệp tinh thần không lùi bước trước mọi khó khăn. Theo chị, nhà báo trước hết phải có tinh thần cầu thị, kiên trì học hỏi và hơn cả là trách nhiệm, bản lĩnh để ngòi bút của mình không bị “bẻ cong” trước bất kì khó khăn hay sức ép nào.

Cũng khai thác vấn đề kinh tế, song nhóm tác giả Chung Hưng, Hưng Phúc, Hữu Tường, Quang Vinh của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận lại đi sâu về chủ đề phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Phóng sự “Làm giàu ở Trường Sa” có thời lượng 15 phút đề cập đến việc phát triển kinh tế biển của ngư dân ở Trường Sa . Đây chính là kết quả, công sức của các anh sau nhiều chuyến đi biển, lăn lộn với sóng gió, với những vất vả, hiểm nguy cùng ngư dân ở Trường Sa.

Nhà báo Chung Hưng tâm sự: Qua gặp gỡ với ngư dân, anh càng hiểu hơn, ở những con người dạn dày nắng gió ấy là một tình yêu biển, gắn bó với Trường Sa như một phần máu thịt không thể tách rời. Bản thân anh càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Mỗi tác phẩm báo chí đều mang hơi thở của cuộc sống, kịp thời phản ánh và có cái nhìn sâu sắc về những vấn đề thời sự của đất nước. Điều này có thể thấy rõ qua các tác phẩm đạt giải cao tại giải Báo chí Quốc gia lần này. Từng trang viết chính là công sức, trách nhiệm của mỗi người làm báo đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước./.