Những ngày qua, mỗi lần nhắc đến câu chuyện lãng phí, tham nhũng thì không khí nghị trường lại “nóng” hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao vai trò của báo chí trong công tác phát hiện, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, các qui định trong luật pháp để tạo hành lang cho báo chí hoạt động, đặc biệt trong dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn chưa đầy đủ.
Nói về vị trí của báo chí trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) khẳng định: Báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh chống lãng phí. Nhiều vụ lãng phí tiêu cực do báo chí nêu ra. Tuy nhiên luật hiện hành không có những quy định về vai trò, trách nhiệm của báo chí… Những hạn chế, những bất cập như vậy không được đánh giá tổng kết ở trong Báo cáo tổng kết thi hành luật. Trong dự thảo luật sửa đổi lần này, những hạn chế bất cập đó vẫn chưa được giải quyết. “Cách làm như vậy là chưa thực sự đúng hướng. Nói cách khác là chúng ta cũng chưa bắt đúng bệnh để có giải pháp chữa bệnh phù hợp”.
Dự thảo Luật qui định, “Công dân, cơ quan dân cử gồm có Quốc hội, Hồi đồng nhân dân, Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên có trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Về qui định này, Đại biểu Lê Văn Tân (đoàn Hà Nam) cho rằng, trong số này chỉ có Quốc hội, Hội đồng nhân dân là giám sát theo quy định của pháp luật. Còn việc giám sát của công dân, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc thì chưa đề cập, chưa có cơ chế giám sát, chưa biết giám sát nội dung gì, phương thức giám sát ra sao, qua giám sát phản ánh kiến nghị đến đâu, theo dõi kết quả xử lý thế nào...
Thực tế cho thấy việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất khó khăn. Tại kỳ họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội có cuộc giám sát tối cao việc thực hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 với số vốn vài trăm ngàn tỷ đồng. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo và làm việc với Chính phủ, với 10 bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố. Xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố, Báo cáo giám sát của 39 Đoàn đại biểu Quốc hội, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành khác. Nhưng, theo đại biểu Lê Văn Tân, qua giám sát cũng không nêu lên được trong sử dụng mấy trăm ngàn tỷ đó tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Lãng phí bao nhiêu? Nếu có lãng phí thì lãng phí ở đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Xử lý vấn đề lãng phí như thế nào? “Kết quả giám sát tối cao của Ủy ban thường vụ Quốc hội như vậy, kết quả giám sát của công dân, tổ chức khác thì quả thật chúng tôi rất băn khoăn” – đại biểu Lê Văn Tân nói.
Trong khi đó, theo đại biểu Lê Văn Tân, việc giám sát của các cơ quan báo chí hiệu quả khá tốt. Báo chí đăng một số ảnh, bài viết về xe công đi lễ hội. Sau đó việc sử dụng xe công đi lễ hội giảm hẳn. Báo chí phản ánh tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm , các cơ quan chức năng vào cuộc, người tiêu dùng được cảnh tỉnh cũng làm giảm đáng kể tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Rất nhiều lĩnh vực các cơ quan quản lý không phát hiện được nhưng cơ quan báo chí lại phát hiện được. Đại biểu Lê Văn Tân lấy ví dụ về sự gian dối trong việc nạo vét sông ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh... Từ thực tế này, đại biểu Tân đề nghị bổ sung vào Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí quyền và trách nhiệm của các cơ quan báo chí.
Cũng về nội dung tăng cường vai trò của báo chí trong phát hiện và đấu tranh chống lãng phí thực hành tiết kiệm, Điều 10 dự thảo luật có ghi "tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng là một hình thức phát hiện lãng phí và người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có phát hiện xảy ra lãng phí có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền". Nhưng theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), chưa có quy định nào bắt buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó phải đọc báo, hơn nữa lại đọc bài báo cụ thể có tin bài về vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, tổ chức mình.
Đại biểu Mạnh Hùng dẫn chứng: Trong kỳ họp này tôi có gửi một chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội về tình trạng áp đặt mất dân chủ trong công tác giảm nghèo ở một số địa phương. Báo Nông nghiệp Việt Nam số ra ngày 27/5/2013 có đăng bài "Bi kịch không được nghèo". Bài báo viết về tình trạng ấn định tỷ lệ hộ nghèo của địa phương cấp trên đối với cấp thôn, xóm ở xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Theo đó, hộ nào nghèo cụ thể do thôn bình bầu, nhưng tỷ lệ không được quá 10%. Nhưng thực tế, có những thôn tỷ lệ nghèo cao hơn, nhưng vì cấp trên ấn định tỷ lệ như vậy rồi nên không dám bầu thêm. Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã có văn bản trả lời, trong đó nói rõ là Bộ không nhận được phản ánh, kiến nghị nào về tình trạng áp đặt này.
Cho nên, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, nếu quy định không rõ ràng, chặt chẽ thì dù khi có báo chí phản ánh, một cơ quan, tổ chức vẫn có thể trả lời theo kiểu “chúng tôi không nhận được kiến nghị, phản ánh nào”. Từ thực tế này, Đại biểu đề nghị nên quy định rõ trách nhiệm thông tin của cơ quan báo chí đối với cơ quan, tổ chức mà báo có tin bài về sự vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hoặc người nào sử dụng tin, bài trên báo chí để phản ánh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải có thông tin thích hợp đối với cơ quan, tổ chức mà báo chí phản ánh./.