Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến nay có gần 16 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), đạt 32,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có gần 14,9 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt giảm 1,05% và 2,17% so với hết năm 2020); bảo hiểm thất nghiệp gần 13,2 triệu người, giảm 1,15% so với hết năm 2020; bảo hiểm y tế (BHYT) gần 87 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,9% dân số, giảm 1,24% so với hết năm 2020.
Nguyên nhân giảm số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do tác động của Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động nên gây khó khăn cho công tác phát triển người tham gia. Tuy nhiên, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp những 3 tháng đầu năm nay tăng hơn 10 % so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù chỉ số phát triển đối tượng chưa đạt như kỳ vọng, nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, một phần do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nên tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm vẫn cao. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng tại một số cơ quan, đơn vị còn khá phổ biến, với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT trong cả nước lên tới 20.756 tỷ đồng. Việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng. Tính đến hết tháng 3/2021, cả nước giải quyết cho gần 248 nghìn người hưởng trợ cấp một lần, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chỉ tiêu được giao năm 2021, từ nay đến cuối năm, toàn ngành BHXH Việt Nam cần phát triển thêm 557.000 người tham gia BHXH; 627.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 951.000 người tham gia BH thất nghiệp và hơn 1,5 triệu 500 người tham gia BHYT.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, dự báo năm 2021 sẽ còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo, BHXH Việt Nam xác định tiếp tục tăng cường triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT. “Một số tỉnh vẫn vừa làm vừa triển khai nhưng vẫn phải phòng chống dịch, cho nên việc truyền thông phát triển đối tượng cũng chưa được nhiều. Hy vọng thời gian tới sẽ tăng tốc trở lại, bù lại những tháng đầu năm để làm sao đạt được mục tiêu. Năm nay kế hoạch nặng nề hơn vì theo Nghị quyết 28 phải đạt được 35% lực lượng lao động tham gia BHXH, BHXH tự nguyện đã đạt và vượt nhưng không vì thế mà dừng, tiếp tục đẩy mạnh hơn tập trung vào lao động phi chính thức cũng như cách đây 10 năm đã triển khai BHYT”- ông Liệu nói./.